Nhân lực - yếu tố quan trọng đảm bảo thành công cho dự án PPP

(BĐT) - Trong đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, sẽ cần hàng trăm nghìn tỷ đồng huy động qua hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), sẽ có những dự án PPP với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ được triển khai. 
Để dự án PPP thành công, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, bố trí đủ nguồn lực tài chính, nhân sự và thông qua một quy trình cạnh tranh, minh bạch. Ảnh: Đặng Phú An
Để dự án PPP thành công, cần chuẩn bị kỹ lưỡng, bố trí đủ nguồn lực tài chính, nhân sự và thông qua một quy trình cạnh tranh, minh bạch. Ảnh: Đặng Phú An

Để có những dự án PPP bài bản, đúng nghĩa, đảm bảo chất lượng, đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, phân chia hợp lý rủi ro, hài hòa lợi ích, vai trò của yếu tố nguồn nhân lực tham gia vào quá trình thực hiện dự án PPP là rất quan trọng.

Mô hình mới, khó, nhân sự phải chuyên trách

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, những quốc gia thành công về PPP đều tuân thủ các nguyên tắc phải lựa chọn tốt, chuẩn bị kỹ lưỡng, bố trí đủ nguồn lực (tài chính và nhân sự) và thông qua một quy trình cạnh tranh, minh bạch. Đây là điều kiện tiên quyết để mô hình PPP thành công.

Pháp luật hiện hành về PPP của Việt Nam cũng yêu cầu dự án phải thực hiện nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư bài bản trước khi lựa chọn nhà đầu tư. Quá trình nghiên cứu trải qua hai giai đoạn rõ nét: lập đề xuất dự án để đánh giá tính phù hợp với hình thức đầu tư PPP; lập báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) để đưa ra những giải pháp cụ thể cho quá trình triển khai.

Bước sàng lọc, lựa chọn và chuẩn bị dự án PPP được đánh giá là khâu quyết định thành công. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), thực tế triển khai PPP tại Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy, rất nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm việc bố trí nguồn vốn chuẩn bị dự án PPP; chưa bố trí đủ nguồn lực cả về nhân sự, tài chính để tham gia thực hiện dự án. Bộ máy nhân sự thực hiện PPP tại các bộ, ngành, địa phương chưa được rõ ràng, chủ yếu là kiêm nhiệm và năng lực chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tăng cường năng lực về PPP chưa được quan tâm bố trí nguồn lực.

Cho đến nay, chỉ có một số ít cơ quan đã thành lập đơn vị chuyên trách về PPP như Bộ Giao thông vận tải (thành lập Vụ PPP), TP. Hà Nội và TP.HCM (thành lập Phòng PPP thuộc Sở KH&ĐT). Hầu hết các bộ và UBND cấp tỉnh/thành phố đã giao đơn vị trực thuộc làm đơn vị đầu mối về PPP, chủ yếu là đơn vị phụ trách kế hoạch - tài chính tại bộ hoặc sở KH&ĐT tại các tỉnh, thành phố, các cán bộ, công chức đầu mối thực hiện PPP chủ yếu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Thực tế năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 631/QĐ-TTg ban hành “Danh mục dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài” - phần lớn các dự án trong lĩnh vực giao thông và theo hình thức PPP. Thế nhưng một số chuyên gia đánh giá Danh mục chỉ mang tính chất là một “danh sách” các dự án và không thể kêu gọi, thu hút đầu tư vì thiếu những yếu tố cơ bản, cần thiết như nguồn lực, bộ máy, cơ chế triển khai, thu hút. Do đó, đến nay đã hơn 4 năm, vẫn chưa có một nhà đầu tư nước ngoài nào được lựa chọn, đặc biệt là lĩnh vực giao thông.

Tổng kết về tình hình đầu tư theo mô hình PPP, nhiều bộ, ngành cho biết, chất lượng nguồn nhân lực tham gia tổ chức thực hiện dự án PPP vẫn còn hạn chế là một trong những vướng mắc lớn dẫn đến chất lượng triển khai dự án PPP chưa được như kỳ vọng.

Trong thời gian tới, với nhu cầu đầu tư lớn theo mô hình PPP và mục tiêu hướng đến huy động tốt hơn nguồn vốn tư nhân đúng nghĩa, đặc biệt là vốn nước ngoài, Bộ KH&ĐT kiến nghị tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nhân sự thực hiện PPP theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp ở các cấp thực thiện chương trình PPP.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đỗ Việt Dũng, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng khuyến nghị, để có đội ngũ nhân lực tốt thực hiện chương trình, dự án PPP thời gian tới, một số bộ có liên quan chặt đến PPP, quyết định những vấn đề rất lớn cần hình thành bộ phận chuyên trách về PPP. Việc tăng cường năng lực của cơ quan chuyên trách ở từng bộ, ngành, địa phương phải được chú trọng, đồng thời cán bộ thực hiện phải có ý thức học hỏi, vừa làm vừa học, bắt tay làm việc cùng các chuyên gia tư vấn khi chuẩn bị dự án.  

Tăng cường đào tạo

Với vai trò là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo về PPP, Bộ KH&ĐT đã ban hành Kế hoạch 5 năm thực hiện đào tạo và tăng cường năng lực về PPP (Quyết định số 1086/QĐ-BKHĐT ngày 14/8/2014). Từ năm 2014 - 2018, Bộ KH&ĐT đã tổ chức và phối hợp tổ chức khoảng trên 100 khóa đào tạo về PPP khắp cả nước cho đại diện của các bộ, ngành, địa phương trong các lĩnh vực khác nhau với sự tham gia giảng dạy của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.

Ngoài ra, một số bộ, ngành như Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài chính và các địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với các đối tác để tổ chức nhiều khóa tập huấn về PPP.

Theo Bộ KH&ĐT, các khóa đào tạo, tập huấn về PPP nêu trên chưa đủ để phủ rộng và chuyên sâu tới các cơ quan, cán bộ triển khai, nhưng bước đầu đã xây dựng nền tảng kiến thức để các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai các dự án PPP của mình.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, Nhóm Công tác cơ sở hạ tầng đã đánh giá chương trình PPP và sự nỗ lực của Chính phủ trong việc hướng dẫn các cơ quan và các bên có liên quan về PPP đã bắt đầu dần dần thay đổi cách nhìn của nhiều cơ quan nhà nước, trước đây chỉ quen với cách thức sử dụng và quản lý ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Đầu tư công và các luật chi tiêu công có liên quan khác. Hiện nay, nhiều cơ quan nhà nước khi tham gia vào các dự án PPP đã bắt đầu nhìn nhận được vai trò của Nhà nước như một đối tác thương mại đồng hành với doanh nghiệp và có hiểu biết về những yêu cầu thương mại cần có của một dự án thành công.

Theo kinh nghiệm các nước đã thực hiện tốt mô mình PPP như Hàn Quốc, Philippines, việc triển khai đào tạo là không thể thiếu. Về dài hạn, Bộ KH&ĐT kiến nghị Việt Nam cần thành lập một trung tâm chuyên môn sâu về PPP có chức năng giúp Chính phủ thẩm định, đánh giá các dự án PPP và đồng thời là tổ chức có nhiệm vụ đào tạo, hướng dẫn và tăng cường năng lực về PPP cho các cơ quan, tổ chức có liên quan kể cả phía Chính phủ, chính quyền địa phương và khối tư nhân.

Tin cùng chuyên mục