Nhiều 'ông lớn' chật vật thoái vốn ngân hàng

Nhiều phiên đấu giá cổ phần nhà băng đã bị hủy do không có nhà đầu tư đăng ký tham gia.
Nhiều phiên đáu giá cổ phần tại một số ngân hàng chưa niêm yết đã không thành công do không có nhà đầu tư đăng ký tham gia.
Nhiều phiên đáu giá cổ phần tại một số ngân hàng chưa niêm yết đã không thành công do không có nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) gần đây vừa thông báo hủy phiên đấu giá gần 71,6 triệu cổ phần mà Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang nắm giữ tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank). Lý do được HNX đưa ra là không có nhà đầu tư tham gia, dù đã hết thời điểm đăng ký từ đầu tháng 3.

Khoản đầu tư này cũng vừa được nhắc đến trong buổi kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ giao tại VNPT, tổ chức ngày 15/3. Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính đã lưu ý, khoản đầu tư của VNPT có giá gốc hơn 11.000 đồng mỗi cổ phiếu (tương đương khoảng 700 tỷ đồng), nhưng đến nay chỉ còn khoảng 3.000 đồng theo diễn biến giá thị trường.

Kịch bản tương tự xảy ra khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn tại Maritime Bank cuối năm 2016. Mặc dù đã hạ giá khởi điểm từ 11.700 đồng xuống 10.600 đồng mỗi cổ phần, hai phiên đấu giá hơn 2,4 triệu cổ phần của Maritime Bank ngày 26/10 và 26/12/2016 đều bất thành do không có nhà đầu tư nào đăng ký.

Cuối tháng 4/2016, Tổng công ty Viễn thông Mobifone cũng đăng ký đấu giá cùng lúc hai khoản đầu tư, 33,4 triệu cổ phần của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và 14,3 triệu cổ phần của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) với giá khởi điểm lần lượt là 9.600 đồng và 8.900 đồng mỗi cổ phần, thấp hơn mệnh giá 10.000 mỗi cổ phần. Tuy nhiên khi hết thời hạn đăng ký, phiên đấu giá cổ phần của SeABank phải hủy, còn lượng bán ra với cổ phiếu TPBank đạt 60% khối lượng đăng ký.

Trước đó từ cuối năm 2015, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã thông báo đấu giá cổ phần sở hữu tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với giá khởi điểm gây bất ngờ khi đó - dưới 5.000 đồng mỗi cổ phần. Tuy nhiên, dù có giá rẻ, 2 phiên đấu giá này vẫn không thể diễn ra do không có nhà đầu tư nào tham gia.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, dù từng được đánh giá là nhóm cổ phiếu "vua", nhưng diễn biến cổ phiếu trong ngành ngân hàng có sự phân hóa khá mạnh khi nhóm cổ phiếu top trên được săn đón và giao dịch khá tích cực trên thị trường, trong khi một số ngân hàng chưa niêm yết hầu như không được chú ý.

Do chưa được giao dịch trên thị trường chính thức nên theo nhiều nhà đầu tư, thông tin công bố từ những đơn vị này còn rất hạn chế, những góc khuất trong hoạt động kinh doanh không rõ ràng, những khoản nợ xấu, trích lập dự phòng không được công khai như những đơn vị khác đang giao dịch trên thị trường. Ngoài ra, kế hoạch niêm yết để có thể giao dịch chính thức trong tương lai cũng chưa cụ thể, hầu hết không có kế hoạch chia cổ tức mà phần lớn lợi nhuận giữ lại tái đầu tư hoặc bù đắp lỗ trong quá khứ. 

Thực tế cũng cho thấy, hầu như không có đơn vị tổ chức tham gia các phiên đấu giá này, phần lớn đều là những nhà đầu tư cá nhân. Như phiên đấu giá cổ phần TPBank của Mobifone, 2 tổ chức tham gia chỉ đăng ký mua 200 cổ phần, trong khi 4 cá nhân đăng ký mua hơn 8,7 triệu.

Tuy vậy, một số nhà đầu tư trên thị trường cũng cho rằng, mức giá mà các đơn vị đưa ra cũng quá cao so với mức mà thị trường có thể chấp nhận cũng có thể là một phần lý do khiến những phiên đấu giá này thất bại. Nhóm cổ phiếu các ngân hàng này hầu như được giao dịch trên thị trường không chính thức (OTC) với mức giá èo uột và không có thanh khoản.

Đơn cử như cổ phiếu Maritime Bank trên thị trường OTC được mua bán với mức giá chỉ 3.000-4.000 đồng mỗi cổ phần, chưa tới một nửa so với mức giá SCIC và VNPT đấu giá. Trong khi, các cổ phiếu ngân hàng khác như OCB, SCB hay TPBank cũng chỉ khoảng 5.000-8.000 đồng. 

Tin cùng chuyên mục