Một số tổ chức đấu giá tài sản không thực hiện đăng tải thông tin trên Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công hoặc Trang thông tin điện tử về tài sản công theo quy định. Ảnh: Nhã Chi |
Tại Sơn La, Sở Tư pháp vừa có Kết luận thanh tra số 03/KL-STP về việc chấp hành pháp luật đối với Hợp đồng dịch vụ ĐGTS số 20/2022/HDDV-ĐGTS ngày 10/8/2022 giữa Công an tỉnh Sơn La và Công ty Đấu giá hợp danh Tây Bắc - Việt Nam về việc bán đấu giá 11 lô tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ nhà nước.
Qua thanh tra, Sở Tư pháp chỉ ra, Công an tỉnh Sơn La (người có tài sản - NCTS) chưa kịp thời đăng tải việc lựa chọn tổ chức ĐGTS trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về ĐGTS. Sở Tư pháp kiến nghị, Công an tỉnh Sơn La quán triệt, chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình khi đưa tài sản ra bán đấu giá, đăng tải đầy đủ việc lựa chọn tổ chức ĐGTS trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về ĐGTS.
Tại Quảng Bình, Kết luận thanh tra số 307/KL-STP ngày 8/2/2023 của Sở Tư pháp về việc chấp hành pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực ĐGTS của Công ty Đấu giá hợp danh Trường Hà chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tại Hợp đồng số 10/2020 ngày 20/4/2020, Hợp đồng số 17/2020 ngày 1/6/2020, NCTS và Công ty Đấu giá hợp danh Trường Hà thỏa thuận NCTS chịu trách nhiệm bảo quản thùng đựng phiếu trả giá kể từ thời điểm niêm phong đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu trả giá; NCTS chuẩn bị hội trường để tổ chức bán ĐGTS… Những thỏa thuận này, theo Sở Tư pháp, là chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Ngoài ra, tất cả các cuộc ĐGTS tại Công ty Đấu giá hợp danh Trường Hà đều không thực hiện đăng tải thông tin trên Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công hoặc Trang thông tin điện tử về tài sản công theo quy định tại Khoản 6 Điều 24 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Hợp đồng số 16/2022 được Công ty Đấu giá hợp danh Trường Hà thông báo trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về ĐGTS không có thông tin về tiền đặt trước là sai sót, chưa đảm bảo đúng quy định… Các sai sót nêu trên chưa đến mức phải xử lý hoặc kiến nghị xử lý, nhưng Sở Tư pháp yêu cầu Công ty phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Tại Đăk Nông, qua kiểm tra đột xuất về ĐGTS tại Chi nhánh Công ty Đấu giá hợp danh dầu khí Việt Nam, cụ thể là Hợp đồng bán đấu giá thửa đất số 24, tờ bản đồ số 8, Thôn 4, xã Nhân Đạo, huyện Đăk R’Lấp, Sở Tư pháp nêu, Chi nhánh Công ty không công khai thù lao dịch vụ ĐGTS theo quy định. Hồ sơ lưu tại Chi nhánh Công ty thể hiện việc chưa đảm bảo cho người tham gia đấu giá xem tài sản; giấy biên nhận hồ sơ tham gia đấu giá không thể hiện thời gian tiếp nhận hồ sơ. Trong quá trình đấu giá, biên bản đấu giá thể hiện ông Nguyễn Văn Tôn (người trả giá đầu tiên) trả giá 3.552.692.000 đồng, ông Nguyễn Ngọc Hiện (người trả giá lần hai) trả 3.582.629.000 đồng, chênh lệch 29.937.000 đồng, thấp hơn so với bước giá của cuộc đấu giá (30.000.000 đồng).
Ngày 21/4/2022, Chi nhánh Công ty Đấu giá hợp danh dầu khí Việt Nam có công văn đính chính biên bản đấu giá, từ “ông Nguyễn Thành Tôn trả 3.552.692.000 đồng” thành “ông Nguyễn Thành Tôn trả 3.552.629.000 đồng”. Nội dung đính chính đảm bảo bước giá 30.000.000 đồng giữa người trả giá đầu tiên và người trả giá thứ hai. Sở Tư pháp Đăk Nông cho rằng, việc Chi nhánh Công ty tự ban hành văn bản đính chính mà không có ý kiến xác nhận của những người liên quan là không đầy đủ, không đảm bảo tính khách quan. Với những sai sót được chỉ ra, Sở Tư pháp yêu cầu Chi nhánh Công ty nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế; báo cáo bằng văn bản việc khắc phục sai phạm gửi về Sở.
Trong diễn biến khác, tại Quảng Nam, UBND Tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐGTS trên địa bàn. Một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động ĐGTS được tỉnh Quảng Nam chỉ ra là: việc định giá, xác định giá khởi điểm của tài sản đưa ra bán đấu giá chưa sát với giá thị trường, nhất là giá đất; việc đánh giá, chấm điểm để lựa chọn tổ chức ĐGTS trong một số trường hợp còn chưa khách quan, công khai, minh bạch; một số cơ quan, NCTS còn thiếu trách nhiệm trong việc giám sát xử lý tài sản, lựa chọn tổ chức ĐGTS; tình trạng bao che, thông đồng, dìm giá, sân sau, dàn xếp kết quả đấu giá vẫn còn; chất lượng, năng lực của một số đấu giá viên còn hạn chế; xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức ĐGTS; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động đấu giá còn chưa thường xuyên, việc xử lý chưa mang tính răn đe.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã có công văn gửi các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố nhằm uốn nắn, chấn chỉnh hoạt động ĐGTS trên địa bàn. Theo đó, hoạt động ĐGTS trên địa bàn Tỉnh thời gian qua ghi nhận một số tồn tại, hạn chế như: việc ban hành thông báo mời tư vấn ĐGTS có trường hợp thiếu chặt chẽ, khách quan, vi phạm quy chế; mời thành phần dự họp để xét chọn hồ sơ không đúng quy định pháp luật về ĐGTS; tổ chức ĐGTS đặt ra điều kiện trong việc tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ tham gia đấu giá dẫn đến có đơn khiếu nại, thắc mắc...