Vinamilk sẽ phát hành gần 9,44 triệu cổ phiếu ESOP. Ảnh: Ngô Ngọc Anh |
Dấu hiệu “cơm lành canh ngọt”
Đáng chú ý là kế hoạch bán gần 9,44 triệu cổ phiếu ESOP của Vinamilk, trong đó hơn 522 nghìn cổ phiếu lấy từ nguồn cổ phiếu quỹ, 8,92 triệu cổ phiếu phát hành thêm. Hiện tại cổ phiếu Vinamilk đang giao dịch xung quanh mức giá 146.000 đồng, như vậy, giá trị khối lượng cổ phiếu ESOP mà ông lớn Vinamilk dự kiến phát hành lên tới 1.378 tỷ đồng. Mức giá chào bán dự kiến bằng 2 lần giá trị sổ sách của Công ty được ghi nhận trên báo cáo tài chính gần thời điểm phát hành nhất (được kiểm toán soát xét). Tính đến cuối năm 2015, giá trị sổ sách cổ phiếu VNM ở vào khoảng 19.000 đồng. Mức giá chào bán vì vậy ở vào khoảng 40.000 đồng/CP, vẫn thấp hơn nhiều so với thị giá của Vinamilk.
Kế hoạch cổ phiếu ESOP của Vinamilk đáng chú ý không chỉ vì giá trị khổng lồ của thương vụ, mà còn vì lịch sử gặp nhiều trục trặc của kế hoạch này. Kể từ sau đợt phát hành 3,6 triệu cổ phiếu ESOP giai đoạn 2006 - 2011, Vinamilk đã nhiều lần đề xuất việc phát hành cổ phiếu ESOP thưởng cho những thành quả mà công ty này đạt được. Tuy nhiên, cổ đông lớn là SCIC luôn phủ quyết tờ trình này với lý do sợ pha loãng cổ phiếu. Việc SCIC thông qua kế hoạch ESOP lần này được coi là dấu hiệu “cơm lành canh ngọt” giữa SCIC và Vinamilk chuẩn bị cho việc thoái vốn trong thời gian tới của SCIC.
Cổ đông ngậm ngùi…
Với Vinamilk, kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP được đưa ra song hành với kế hoạch chi trả cổ tức kỷ lục năm 2015 (60%, trong đó 40% cổ tức tiền mặt và 20% cổ tức cổ phiếu) dành cho cổ đông. Tuy nhiên, không phải lúc nào quyền lợi của cán bộ công nhân viên cũng song hành với cổ đông.
Tập đoàn Bảo Việt những năm qua luôn có tỷ lệ chi trả cổ tức tương đối ổn định từ 10 - 15%/năm. Cổ đông chính, đồng thời là cơ quan chủ quản của Bảo Việt là Bộ Tài chính (nắm giữ trên 70% cổ phần) là tổ chức được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách cổ tức xông xênh của Tập đoàn.
Tạm tính theo mức giá 60.000 đồng/CP hiện hành của BVH, giá trị cổ phiếu ESOP mà Bảo Việt dự kiến phát hành lên tới 2.040 tỷ đồng. Trong khi đó, cổ tức tiền mặt mà Bảo Việt chi trả cho cổ đông năm 2015 ở vào khoảng 544 tỷ đồng.
Tất nhiên, kế hoạch ESOP của Bảo Việt hay Vinamilk vẫn chưa được thông qua chi tiết, đặc biệt là về thời gian hạn chế chuyển nhượng. Đây là một điều khoản cực kỳ quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cán bộ, công nhân viên (CBCNV), những người được nhận/mua cổ phiếu ưu đãi.
Trong lịch sử thưởng cổ phiếu ESOP, hẳn chưa ai “sướng” như CBCNV/lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn MaSan. Trong khi cổ đông công ty này mướt mải chờ cổ tức, và được đại diện cho biết “trái ngọt ở cuối con đường”, thì lãnh đạo Công ty không ít lần được nhận khối lượng cổ phiếu khủng thông qua chương trình ESOP. Như vậy là trong khi cổ đông MaSan phải chờ đến cuối con đường, lãnh đạo công ty này vẫn đều đặn hái quả ngọt ở... ven đường.
Giữa tháng 7/2015, MaSan hoàn tất phát hành 10,9 triệu cổ phiếu ESOP cho 73 CBCNV của Công ty. Khi đó, thị giá cổ phiếu MSN đang ở xung quanh 96.500 đồng trong khi giá phát hành bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP. Khối lượng cổ phiếu ESOP mà lãnh đạo MaSan nhận được lên tới 1.052 tỷ đồng. Tính bình quân mỗi cá nhân nhận về 14,4 tỷ đồng. Trước đó, vào tháng 5/2013, MaSan cũng phát hành 17,86 triệu cổ phiếu ESOP.
ĐHCĐ thường niên 2016 của MaSan cũng vừa thông qua phương án phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP với mức giá tượng trưng 10.000 đồng/CP. Đáng chú ý là, toàn bộ cổ phiếu ESOP của MaSan đều không bị hạn chế chuyển nhượng. Có nghĩa là lãnh đạo Công ty có thể hiện thực hóa lợi nhuận bất kỳ lúc nào.
Tháng 10/2013, trong phát biểu tại một hội thảo do SCIC và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tổ chức, bà Vũ Thị Kim Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, ESOP ở Việt Nam đang bị “biến dạng” so với thông lệ quốc tế khi thời gian hạn chế chuyển nhượng một vài năm là không đủ dài để tạo ra sự gắn kết, cống hiến của đối tượng nhận ESOP.
Cổ đông vẫn chờ đợi phương án chi tiết của những chương trình ESOP nghìn tỷ sắp tới…