Có nhiều dấu hỏi về việc minh bạch thông tin và biến động sở hữu tại NamABank. Ảnh: Tường Lâm |
Ngoài việc Tập đoàn Hoàn Cầu đã rơi vào tay người khác, một lượng lớn cổ phần NamABank cũng đã nằm trong tay những ông chủ mới thông qua Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương.
Người cũ Rồng Thái Bình Dương
Theo bản cáo bạch năm 2007 của NamABank, tính đến thời điểm 30/6/2007, bà Tư Hường nắm giữ 13,09% cổ phần NAB; ông Nguyễn Chấn (chồng bà Tư Hường) nắm giữ 5,14% và con trai thứ Nguyễn Quốc Mỹ nắm 7,31%. Tính ra, gia đình bà Tư Hường sở hữu tới 25,54% cổ phần tại NamABank.
Đến thời điểm đầu năm 2010, vị thế của gia đình bà Tư Hường tại NamABank còn lớn hơn. Khi đó, riêng bà Tư Hường nắm 17,57 triệu cổ phiếu NAB (tương đương 14,03% vốn điều lệ) và là cổ đông lớn nhất; Nguyễn Quốc Mỹ nắm 9,83 triệu cổ phiếu (7,85%); Nguyễn Chấn nắm 6,43 triệu cổ phiếu (5,13%); và 1 người gắn bó lâu dài với nhà bà Tư Hường là ông Phan Đình Tân nắm giữ hơn 7,1 triệu cổ phiếu (5,67%).
Đầu năm 2015, cơ cấu cổ đông lớn tại NamABank đã có nhiều xáo trộn khi xuất hiện cổ đông tổ chức mới Rồng Thái Bình Dương nắm giữ tới 42,77 triệu cổ phiếu NAB, tương đương 14,26% vốn điều lệ. Ngoài ra còn có sự xuất hiện của con trai lớn bà Hường, đó là ông Nguyễn Quốc Toàn nắm giữ 15 triệu cổ phiếu NAB, tương đương 5%.
Trong khi đó, bà Tư Hường giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 1,42 triệu cổ phiếu (0,47%); ông Nguyễn Chấn còn 2,46 triệu cổ phiếu (0,82%); Nguyễn Quốc Mỹ 12,93 triệu cổ phiếu (4,31%), hai con gái là: Nguyễn Xuân Loan nắm 1,96 triệu cổ phiếu (0,65%), Nguyễn Thị Xuân Ngọc nắm 1,127 triệu cổ phiếu (0,38%).
Hiện nay, NamABank là ngân hàng nhỏ tính theo vốn điều lệ và thuộc diện tái cơ cấu bắt buộc theo đề án của Ngân hàng Nhà nước. Trong quá trình tái cấu trúc các ngân hàng, những con số về nợ xấu, tỷ lệ sở hữu của cổ đông… đều không được công bố. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về việc minh bạch thông tin và biến động sở hữu tại ngân hàng này.
Chưa rõ Rồng Thái Bình Dương hiện nắm giữ bao nhiêu cổ phần tại NamABank. Nhưng theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, công ty này đã cầm cố hơn 33 triệu cổ phiếu NAB tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (tương đương hơn 10% vốn điều lệ) trong năm 2017.
Những ông chủ mới
Rồng Thái Bình Dương là doanh nghiệp được thành lập tháng 10/1999 với vốn điều lệ 90 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập nắm giữ tới 99,67% cổ phần là ông Nguyễn Quốc Toàn. Đến cuối năm 2012, vợ ông Toàn là Á hậu Dương Trương Thiên Lý sở hữu 99,94% cổ phần. Đến năm 2013, Đào Thị Diệu đã nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của bà Lý và nắm giữ đến tháng 6/2016.
Như vậy, tại thời điểm đầu năm 2015 khi Rồng Thái Bình Dương được công bố nắm giữ 14,26% vốn điều lệ của NamABank, doanh nghiệp này đã là một pháp nhân hoàn toàn độc lập với vợ chồng ông Toàn.
Đến tháng 8/2018, những chủ nhân mới của Rồng Thái Bình Dương là Dương Tiến Dũng nắm giữ 80% và Nguyễn Thị Kim Phượng 20%. Còn ở thời điểm hiện tại, bà Kim Phượng đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 50%, còn lại thuộc sở hữu của Nguyễn Văn Hoàng.
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng là một cái tên không quá xa lạ với Rồng Thái Bình Dương khi đã nhiều năm giữ chức vụ Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này từ thời ông Toàn. Còn Dương Tiến Dũng cũng là cá nhân đã thay thế ông Nguyễn Chấn và những người thân của ông để nắm giữ 98% cổ phần của Công ty TNHH Hoàn Cầu (Tập đoàn Hoàn Cầu) - doanh nghiệp gắn với tên tuổi bà Tư Hường.
Mặc dù có những thay đổi nhưng những ông chủ hiện tại và một thời của Rồng Thái Bình Dương như Nguyễn Thị Kim Phượng, Dương Tiến Dũng, vợ chồng ông Nguyễn Quốc Toàn đều không xa lạ với nhau. Các cá nhân này đã từng hợp tác đầu tư, đơn cử như cùng góp vốn vào Công ty CP Chứng khoán Bảo Minh - một doanh nghiệp đã và đang nắm giữ số lượng lớn cổ phần của Eximbank và NamABank.