“Ôm” khối nợ khủng, SBIC muốn xử lý thế nào với hàng trăm tỷ đồng từ vụ Giang Kim Đạt?

Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Tài chính đề xuất phương án xử lý nguồn thu thi hành án vụ án Giang Kim Đạt...
Các bị cáo Giang Kim Đạt, Trần Văn Liêm và Trần Văn Khương phải bồi thường cho SBIC số tiền là hơn 260,5 tỷ đồng.
Các bị cáo Giang Kim Đạt, Trần Văn Liêm và Trần Văn Khương phải bồi thường cho SBIC số tiền là hơn 260,5 tỷ đồng.

"Bỏ túi" hơn 260 tỷ đồng từ hành vi bất chính

Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Tài chính đề xuất phương án xử lý nguồn thu thi hành án vụ án Giang Kim Đạt, Trần Văn Liêm, Trần Văn Khương.

Trước đó theo bản án hình sự phúc thẩm, Toà án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã xác định Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt và Trần Văn Khương có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tiền hoa hồng (chênh lệch giá) mua 3 tàu và tiền gửi giá cước cho thuê 9 tàu.

Trong đó, hành vi chiếm đoạt tiền hoa hồng mua 3 tàu tổng số tiền là hơn 711.751 USD, tương đương hơn 11,4 tỷ đồng.

Còn hành vi chiếm đoạt tiền chênh lệch giá cước cho thuê 9 tàu biển với tổng số tiền là hơn 15,26 triệu USD, tương đương hơn 249 tỷ đồng.

Toà án đã buộc các bị cáo Giang Kim Đạt, Trần Văn Liêm và Trần Văn Khương phải liên đới bồi thường trả cho SBIC số tiền là hơn 260,5 tỷ đồng.

SBIC cho biết, Cục thi hành án dân sự TP. Hà Nội đã chuyển về tài khoản của SBIC số tiền Trần Văn Liêm nộp bồi thường (hơn 3,1 tỷ đồng) và hơn 6,4 tỷ đồng do Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an chuyển cho Cục thi hành án dân sự Hà Nội.

Đối với số tài sản của Giang Kim Đạt, Trần Văn Liêm và Trần Văn Khương đã bị kê biên để xử lý, Cục thi hành án dân sự TP. Hà Nội đang trong quá trình tiến hành thực hiện xử lý và sẽ chuyển tiền về trả SBIC.

Xử lý ra sao đối với nguồn tiền thu từ vụ án Giang Kim Đạt?

Trên cơ sở phán quyết của Toà án, SBIC cho rằng, nguồn thu nhận được từ việc thi hành án nói trên phân chia theo tỷ lệ thiệt hại của các tàu so với tổng thiệt hại là hợp lý nhất.

Tuy nhiên, nếu phân chia theo tỷ lệ thiệt hại thì phần vốn lưu động VFC đã cho Vinashinlines vay (từ nguồn uỷ thác SBIC 2.600 tỷ đồng ngoài danh mục, 600 triệu đồng ngoài danh mục, 988 tỷ đồng ngoài danh mục) để phục vụ việc sản xuất kinh doanh (cho thuê các tàu) sẽ không xác định được tỷ lệ để thu hồi do khoản vay vốn lưu động là để phục vụ chung hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinashinlines.

Do đó VFC đã đề xuất nguyên tắc thực hiện phân chia nguồn thu từ việc thi hành án, cụ thể như sau:

Dư nợ vốn lưu động của Vinashinlines được tính vào tổng dư nợ làm căn cứ để phân chia (tổng dư nợ sẽ bao gồm tổng dư nợ gốc của các tàu và dư nợ vay vốn lưu động của Vinashinlines).

Số tiền phân chia sẽ được tính theo tỷ lệ dư nợ của mỗi tàu và khoản vay vốn lưu động so với tổng dư nợ nêu trên.

Việc thực hiện thu nợ sẽ theo nguyên tắc khoản nhận nợ trước sẽ được thu nợ trước.

Tổng dư nợ các tàu nói trên, VFC chỉ tính đến các nguồn uỷ thác của SBIC tại VFC, không tính đến nguồn uỷ thác các ngân hàng khác.

Sau đó, căn cứ số tiền thu được xác định riêng cho từng tàu, VFC tiếp tục phân chia theo tỷ lệ dư nợ các nguồn uỷ thác của SBIC tại VFC.

Theo SBIC, đây là số tiền thu từ việc thi hành án của các bị cáo do việc chiếm đoạt tiền hoa hồng mua tàu và chênh lệch giá cho thuê tàu của Vinashinlines, do vậy hiện nay chưa có quy định cụ thể hướng dẫn đối với việc xử lý số tiền này.

Vì vậy, SBIC đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính xem xét có hướng dẫn cụ thể về việc phân chia và hạch toán nguồn thu từ tiền bồi thường của Giang Kim Đạt, Trần Văn Liêm, Trần Văn Khương.

Hoặc xem xét, phê duyệt phương án phân chia nguồn thu từ việc thi hành án theo tỷ lệ dư nợ gốc của các tàu và dư nợ vay vốn lưu động của Vinashinlines tại VFC, việc thực hiện thu nợ sẽ theo nguyên tắc khoản nhận nợ trước sẽ được thu nợ trước theo đề xuất của VFC nói trên.

Theo báo cáo, VFC đã cho Vinashinlines vay vốn để thực hiện các dự án và bổ sung vốn lưu động. Tính đến 28/2/2018, tổng dự nợ gốc, lãi vay của Vinashinlines tại VFC (bao gồm khoản vay trực tiếp tại SBIC) là hơn 343 triệu USD và hơn 6.707,9 tỷ đồng (tương đương hơn 14.393 tỷ đồng theo tỷ giá tạm tính 22.400 VND/USD).

Trong đó: Nợ gốc là 156,44 triệu USD và hơn 2.826,6 tỷ đồng (tương đương gần 6.323,8 tỷ đồng). Nợ lãi: 186,97 triệu USD và hơn 3.881,2 tỷ đồng (tương đương 8.069,4 tỷ đồng).

Đáng lưu ý, các khoản vay của Vinashinlines tại VFC đều đã quá hạn và thuộc nợ có khả năng mất vốn.

Tin cùng chuyên mục