Ông lớn ngành sợi Đức Quân trong vòng xoáy nợ nần

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là 1 trong những nhà sản xuất sợi cotton hàng đầu Việt Nam, có năng lực sản xuất lớn nhất miền Bắc, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu bán hàng của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân tụt dốc trong 6 tháng đầu năm 2020.
Doanh thu quý II/2020 của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân chỉ đạt hơn 8 tỷ đồng, kém xa con số 204 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Mai Ngọc
Doanh thu quý II/2020 của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân chỉ đạt hơn 8 tỷ đồng, kém xa con số 204 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Mai Ngọc

Không chỉ đầu ra gặp khó, Đức Quân cũng đang phải chịu khoản chi phí lãi vay hàng chục tỷ đồng mỗi năm từ các khoản vay trị giá hơn 800 tỷ đồng.

Liên tiếp thua lỗ

Công ty cho biết, do tác động kép từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các đơn hàng xuất khẩu sợi của Công ty bị hủy và giảm đột ngột, doanh thu quý I chỉ bằng 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 31,2 tỷ đồng.

Sang quý II/2020, dịch bệnh bùng phát khắp thế giới, đặc biệt là tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ - những thị trường chiếm khoảng 65% kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may. Do đó, doanh thu quý II/2020 của Công ty chỉ đạt hơn 8 tỷ đồng, kém xa con số 204 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu bán hàng đạt 39,6 tỷ đồng, giảm mạnh so với 450 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi chi phí giá vốn, Công ty lỗ 0,8 tỷ đồng.

Ngoài các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp có tổng giá trị 8,8 tỷ đồng, Đức Quân phải trả khoản chi phí lãi vay lên tới 44,1 tỷ đồng. Kết quả, Đức Quân lỗ tới gần 102 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm.

Gánh nặng chi phí lãi vay cũng là yếu tố khiến Đức Quân lỗ 93,7 tỷ đồng trong năm 2019 - đây cũng là năm đầu tiên Đức Quân báo lỗ kể từ khi niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (năm 2017). Tính đến cuối quý II/2020, tổng lỗ lũy kế của Công ty là 98,3 tỷ đồng. Đó là chưa kể khoản công nợ phải thu khó đòi quá hạn thanh toán là 6,6 tỷ đồng Công ty chưa thực hiện trích lập dự phòng theo ý kiến của Công ty TNHH Kiểm toán Quốc tế - đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của Công ty.

Gánh nặng nợ vay

Lỗ gần 102 tỷ đồng cùng với dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 45,8 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm đã khiến đơn vị kiểm toán nghi ngại về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Đặc biệt, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh các khoản vay ngân hàng chưa thanh toán được tính đến cuối quý II/2020 của Đức Quân là 286,7 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn là 191 tỷ đồng.

Thành lập năm 2002, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân hiện có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trụ sở chính tại Khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh - đường Trần Thái Tông - TP. Thái Bình - tỉnh Thái Bình. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất sợi; sản xuất vải dệt thoi; hoàn thiện sản phẩm dệt; sản xuất vải dệt kim, vải đan móc và vải không dệt khác...

Được biết, để ứng phó với tình hình kinh doanh khó khăn, Ban lãnh đạo Công ty đã có động thái cơ cấu theo hướng giảm nguồn nợ vay. Tuy vậy, nửa đầu năm 2020, nợ vay của Công ty vẫn gia tăng.

Cụ thể, trong tổng tài sản 1.542 tỷ đồng của Đức Quân, chiếm tới hơn một nửa là các khoản nợ vay, tương đương hơn 809 tỷ đồng, tăng hơn 35 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, khoản vay ngắn hạn là 587,5 tỷ đồng, còn lại 221,6 tỷ đồng là vay dài hạn. Trong khi đó, tiền và các khoản tương đương tiền của Công ty tính đến cuối quý II/2020 chỉ còn khoảng 4,5 tỷ đồng.

Hiện chủ nợ lớn nhất của Đức Quân là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với khoản cho vay 510,4 tỷ đồng. Tiếp đến là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với khoản tín dụng 298,5 tỷ đồng.

Trước tình hình tài chính và kết quả kinh doanh yếu kém, Công ty TNHH Kiểm toán Quốc tế nhận định, Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Khả năng hoạt động liên tục của Công ty phụ thuộc vào việc gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và nhà cung cấp, đồng thời còn phụ thuộc vào việc cơ cấu lại các khoản đầu tư của Công ty.

Tin cùng chuyên mục