Phổ biến quy định về sở hữu trí tuệ trong EVFTA

(BĐT) - Sáng nay (27/8), tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với chủ đề: “Các cam kết quan trọng về sở hữu trí tuệ và những điều cần lưu ý”.
Các đại biểu dự Hội nghị bàn về các giải pháp thực thi hiệu quả các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA
Các đại biểu dự Hội nghị bàn về các giải pháp thực thi hiệu quả các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA

Hội nghị nhằm cung cấp các thông tin và kiến thức hữu ích cho các cơ quan quản lý địa phương, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, từ đó giúp các cơ quan quản lý tiếp thu các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan, chuẩn bị quá trình phê chuẩn và thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA trong thời gian sắp tới.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cùng đại diện các đơn vị liên quan, đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Hiệp định EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ. Đây là một nội dung mới chỉ xuất hiện trong một số ít FTA mà Việt Nam tham gia, trong đó có Hiệp định EVFTA. “Trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu; từ đó giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, tạo môi trường, cũng như hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho biết, nhìn chung, đa số các cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định EVFTA là phù hợp với pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp định cũng đặt ra một số tiêu chuẩn cao hơn pháp luật Việt Nam. Điển hình như bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu (EU) với mức độ bảo hộ cao như mức độ mà pháp luật Việt Nam đang bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý đối với rượu vang và rượu mạnh; hoặc gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong vòng 2 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực...

Sự kiện nằm trong chuỗi sự kiện phổ biến và lấy ý kiến rộng rãi về Hiệp định EVFTA trước khi Hiệp định được Chính phủ làm các thủ tục phê chuẩn theo luật định.

Tin cùng chuyên mục