Khu đất số 4 Thụy Khuê mà Hãng phim truyện Việt Nam đang quản lý có giá trị lớn nhưng không được đưa vào giá trị doanh nghiệp khi đơn vị này cổ phần hóa. |
Theo đoàn kiểm tra, thời gian qua, Bộ đã thực hiện hướng dẫn thực hiện công tác kê khai tài sản, thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức trong phạm vi toàn bộ. Tổng số cơ quan, tổ chức, đơn vị năm 2016 có trách nhiệm tổ chức việc kê khai là 86; tổng số người phải kê khai 2.230 người. Trong quá trình kê khai không có người nào được yêu cầu làm rõ việc kê khai và xác minh tài sản, thu nhập.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng chống tham nhũng tại Bộ. Đơn cử là việc đưa ra một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn thấp, việc quản lý đất đai, tài sản trên đất trong việc sử dụng, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ còn hạn chế.
Phó thủ tướng yêu cầu phải tổ chức rút kinh nghiệm, chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém, xây dựng kế hoạch khắc phục, thực hiện các giải pháp đã đề ra.
Đặc biệt, Phó thủ tướng Thường trực yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phải xử lý dứt điểm một số vụ việc nổi cộm của ngành như: Việc cổ phần hoá Hãng phim Truyện Việt Nam trong năm 2018; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai tại số 8 Nguyễn Trung Trực, quận 1, Tp.HCM, trả lại đúng quy hoạch và công năng của khu đất này.
Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) chính thức được cổ phần hóa vào tháng 4/2016. Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của VFS đạt 50 tỷ đồng. Trong đó, nhà nước nắm giữ 20% vốn điều lệ, cán bộ công nhân viên nắm giữ 4,5% vốn, 10,5% vốn công ty được mang ra đấu giá công khai, còn lại 65% vốn cổ phần thuộc về Vivaso.
VFS quản lý nhiều khu đất vàng có giá trị rất lớn như khu đất tại xã Uy Nỗ, Đông Anh; số 46, ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, số 4 Thụy Khuê hay số 6, Thái Văn Lung, Tp.HCM…nhưng giá trị của hãng phim 60 năm tuổi này cùng với nhiều khu đất có giá hàng nghìn tỷ mà VFS đang quản lý đã không được đưa vào giá trị doanh nghiệp khi tiến hành định giá để cổ phần hóa.