Nhóm công tác công tư ngành hàng cà phê đã xây dựng được 256 mô hình vườn mẫu cà phê tại 4 tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Bùi Duy Hùng |
Bà Phạm Thị Hồng Hạnh thuộc Ban thư ký Chương trình Đối tác phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam cho biết, các nhóm ngành hàng PPP được thành lập từ năm 2009, theo cam kết với Diễn đàn Kinh tế thế giới. Đến nay đã có 8 nhóm công tác hoạt động. Mỗi nhóm gồm đối tác khu vực công là đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và đối tác khu vực tư, chủ yếu là các tập đoàn, đối tác nước ngoài.
Cụ thể, nhóm công tác PPP ngành hàng cà phê do Cục Trồng trọt và Công ty Nestle Việt Nam đồng chủ trì; ngành hàng chè do Cục Trồng trọt và Công ty Unilever đồng chủ trì; ngành hàng thủy sản (Tổng cục Thủy sản và Metro Cash & Carry Việt Nam đồng chủ trì); ngành hàng rau quả (Vụ Kế hoạch và Syngenta); ngành hàng chung (Vụ Hợp tác quốc tế và Tập đoàn Bungee); ngành hàng gia vị và hồ tiêu (Vụ Hợp tác quốc tế và IDH); hóa chất nông nghiệp (Cục Bảo vệ thực vật và IDH, Croplife); tài chính nông nghiệp (Vụ Hợp tác quốc tế).
Khối công có nhiệm vụ xây dựng mục tiêu và định hướng, liên kết với các chương trình phát triển trọng điểm quốc gia; hỗ trợ đối tác tư nhân tiếp cận mạng lưới chuyên gia và tổ chức thuộc khu vực công; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân và liên kết doanh nghiệp - nông dân… Khối tư xây dựng kế hoạch, dự án, mô hình thí điểm; giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện dự án, mô hình thí điểm; bảo đảm tài chính cho dự án; chuyển giao công nghệ mới, cung cấp đầu vào và các hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân; đảm bảo về mặt thị trường thông qua hợp đồng với các tổ chức nông dân… Nhóm công tác sẽ kết nối các doanh nghiệp đầu tàu với một số địa phương được Bộ NN&PTNT lựa chọn thí điểm đột phá về chính sách và thể chế để thu hút đầu tư tư nhân và tái cơ cấu nông nghiệp.
Theo bà Phạm Thị Hồng Hạnh, sự phát triển của các nhóm ngành hàng đã tạo ra những kết quả đáng ghi nhận trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành hàng nông sản chủ lực. Đơn cử nhóm công tác PPP ngành hàng cà phê đã xây dựng được 256 mô hình vườn mẫu cà phê tại 4 tỉnh Tây Nguyên; giúp tăng năng suất cà phê 12% (giai đoạn 2010 - 2014), tăng 17% (giai đoạn 2015 - 2016); tăng thu nhập bình quân cho nông dân khoảng 14%...
Tại cuộc hội thảo tổng kết về các nhóm ngành hàng PPP mới đây, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, dự kiến sẽ thành lập thêm Nhóm công tác PPP ngành hàng lúa gạo Việt Nam với mục tiêu chính là huy động các đối tác xây dựng và triển khai các chương trình/dự án thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững; xúc tiến hợp tác công tư, xúc tiến thương mại… Về phía khu vực tư, nhiều đối tác đang quan tâm như Vinafood2, Coopmart, Công ty Đạm Phú Mỹ,…
Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, việc phát triển các nhóm ngành hàng theo hình thức công tư đến nay còn nhiều thách thức nên kết quả cũng bị hạn chế. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành nông nghiệp đến năm 2015 mới có 521 dự án, chiếm 2,6% tổng số dự án và 3,63 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 1,3% vốn FDI đăng ký vào tất cả các ngành, lĩnh vực.
Một cán bộ của Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới, có thể những dự án của các nhóm công tác sẽ thực hiện theo mô hình PPP hiện hành, coi đây là một hướng đi mới để thu hút thêm các đối tác nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp. Bộ NN&PTNT cũng đã có đề xuất về hình thức hợp đồng PPP riêng, phù hợp với lĩnh vực này.