Hoạt động kinh doanh của PVOil có thể khởi sắc hơn trong thời gian tới khi giá dầu hồi phục. Ảnh: Nguyễn Minh |
PVOil là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), được thành lập từ năm 2008 sau khi hợp nhất các đơn vị thành viên Tập đoàn. Tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, phân phối bán lẻ xăng dầu với thị phần lớn thứ 2 toàn quốc (22%), sau Petrolimex. Ngoài ra, PVOil còn là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam thực hiện xuất khẩu toàn bộ dầu thô Việt Nam khai thác trong và ngoài nước, cũng như nhập khẩu dầu thô cho các nhà máy lọc dầu.
Theo kế hoạch, PVOil sẽ lựa chọn tối đa không quá 3 nhà đầu tư chiến lược và chào bán từ 20 - 40% vốn điều lệ. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược sẽ kết thúc trước hoặc sau khi PVOil tiến hành IPO (chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng), dự kiến vào quý II năm sau. Nhà nước sẽ nắm giữ khoảng 51% cổ phần của PVOil sau cổ phần hóa. Các tỷ lệ nói trên sẽ được trình chờ Chính phủ phê duyệt cuối cùng.
Hé lộ bức tranh lợi nhuận
Tình hình kinh doanh của PVOil từ trước đến nay vẫn là những thông tin ít được công bố rộng rãi. Báo cáo tổng quát của Chứng khoán Bản Việt về PVOil được đăng tải trên website chính thức của PVOil đã cho thấy phần nào bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp này trong những năm gần đây.
3 năm trở lại đây, do diễn biến giá dầu bất ổn, lợi nhuận của PVOil biến động khá mạnh mẽ. Năm 2013, Tổng công ty lãi ròng 356 tỷ đồng và lỗ sâu 1.372 tỷ đồng vào năm 2014. Đến năm 2015, PVOil lãi ròng 674 tỷ đồng.
Mảng kinh doanh xăng dầu luôn đóng góp đáng kể vào lợi nhuận/thua lỗ của PVOil. Trong năm 2014, mảng kinh doanh này góp tới 1.385 tỷ đồng lỗ trước thuế, khiến Tổng công ty bị lỗ nặng. Năm 2015, PVOil lãi trước thuế 615 tỷ đồng từ kinh doanh xăng dầu, chiếm phần lớn lợi nhuận đạt được cả năm của Tổng công ty.
Lợi nhuận biến động trồi sụt, doanh thu của PVOil lại sụt giảm tương đối đều đặn qua các năm gần đây. Từ mức 98.432 tỷ đồng năm 2013, đến năm 2015 con số chỉ còn gần 51.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, năm 2014, mặc dù thua lỗ nặng do khủng hoảng dầu mỏ vào giữa năm, dòng tiền của PVOil lại khả quan nhất, lên tới 4.218 tỷ đồng nhờ giảm hàng tồn kho cũng như đẩy mạnh thu hồi các khoản công nợ. Dòng tiền kinh doanh năm 2013 và 2015 của Tổng công ty lần lượt ở mức 712 tỷ đồng và âm 87 tỷ đồng.
Năm 2017, sau cổ phần hóa, PVOil lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tương đối khiêm tốn, lần lượt đạt 49.652 tỷ đồng và 442 tỷ đồng và tiếp tục tăng dần về sau.
Cổ phần hóa có thuận lợi nhờ… giá dầu?
Ngoài diễn biến giá dầu, PVOil cũng bị ảnh hưởng gián tiếp từ biến số này khi Tổng công ty phải “chia lửa” với Dung Quất, một đơn vị khác thuộc PVN chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá dầu.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của đầu năm 2016.
Từ mức giá xung quanh 43 USD/thùng vào đầu năm, đến nay giá dầu thô thế giới đang dao động xung quanh mức 53 USD/thùng. Diễn biến giá dầu thuận lợi là kết quả của việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thông qua chủ trương cắt giảm sản lượng khai thác. OPEC hiện đang chiếm khoảng 30% tổng sản lượng dầu toàn thế giới.
Việc tăng giá dầu được cho là có giới hạn, khi Goldman Sachs cho rằng, khó có thể duy trì quá lâu trên ngưỡng 55 USD/thùng khi các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ “lăm le” vào cuộc khi giá dầu thế giới khởi sắc. Mặc dù vậy, dù ít dù nhiều, giá dầu tăng là một tín hiệu tích cực đối với kết quả kinh doanh của PVOil, qua đó có thể giúp Tổng công ty thuận lợi hơn trong quá trình cổ phần hóa.