Quảng Nam giải ngân đầu tư công thụt lùi: Không thể đổ cho cơ chế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến giữa tháng 12/2023, giải ngân vốn đầu công của Quảng Nam (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) đạt khoảng 55% trên tổng số 9.278 tỷ đồng vốn được bố trí năm 2023, thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước (65,1%). Quảng Nam cũng nằm trong 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia thấp nhất.
Dự án Cầu Thanh Nam (TP. Hội An) tắc nghẽn giải ngân vốn đầu tư do vướng mặt bằng. Ảnh: Hà Minh
Dự án Cầu Thanh Nam (TP. Hội An) tắc nghẽn giải ngân vốn đầu tư do vướng mặt bằng. Ảnh: Hà Minh

Nhiều dự án vỡ kế hoạch

Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Cầu Thanh Nam bắc qua sông Thu Bồn trị giá 237,757 tỷ đồng được khởi công từ năm 2020, thời hạn thực hiện 28 tháng do Liên danh Công ty CP 457VN - Công ty CP Xây dựng và Đầu tư 492 thực hiện. Theo đó, Gói thầu phải hoàn thành vào tháng 8/2023. Tuy nhiên, mặt bằng hai đầu cầu hiện bị vướng nên chưa có khối lượng thi công, không thể giải ngân phần vốn bố trí năm 2023 hàng chục tỷ đồng. “Việc làm không có, toàn bộ công nhân thi công Gói thầu đã về quê”, đại diện Nhà thầu 457VN cho hay.

Dự án Tu bổ di tích Chùa Cầu (Hội An) khởi công năm 2022, vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng cũng chưa thể giải ngân do chưa thống nhất trong việc tu bổ một số chi tiết của di tích.

Theo số liệu của UBND TP. Hội An, giải ngân đầu tư công của Hội An tính đến hết năm 2023 ước đạt 545/811,3 tỷ đồng (đạt 67% kế hoạch).

Trong danh mục các dự án không thể giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 có Dự án thành phần 1 Hoàn thiện đường ven biển 129 giai đoạn 2 đoạn qua huyện Núi Thành. Dự án được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt đầu tư từ tháng 5/2022, nhưng theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (Chủ đầu tư), dù nhận bàn giao cọc mốc từ tháng 6/2022 nhưng hồ sơ thủ tục để thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn chưa xong, giải ngân mới đạt 42/500 tỷ đồng.

Một số dự án khác như Đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước, kết nối trung tâm hành chính huyện Duy Xuyên - Quốc lộ 1 - Quốc lộ 14H sau 4 năm đầu tư vẫn chưa thể xác định thời gian hoàn thành; Dự án Chống xói lở bờ biển Cửa Đại, Hội An có vốn đầu tư 210 tỷ đồng vẫn chưa giải ngân được đồng nào trong năm 2023. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Chủ đầu tư) cho biết, mới ký hợp đồng xây lắp nên vốn bố trí năm 2023 không thể tiêu hết, phải xin kéo dài thời hạn giải ngân vốn sang năm 2024…

Trách nhiệm ở đâu?

Theo kế hoạch, đến hết quý IV/2023, Quảng Nam phải giải ngân hơn 90% kế hoạch vốn (riêng kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài đạt 100%) và đến hết ngày 31/1/2024 giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023. Để đạt mục tiêu này, chính quyền Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư không đẩy hoàn toàn trách nhiệm, phải có phương án hữu hiệu hỗ trợ cụ thể chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu khi không đạt tiến độ kế hoạch giải ngân.

Đến nay, theo HĐND Tỉnh, Quảng Nam vẫn chưa thể quy trách nhiệm giải ngân thấp thuộc về chủ thể nào. Trong khi đó, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Quảng Nam, có thể cơ chế, chính sách chồng chéo..., nhưng phải xem lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý, địa phương, chủ đầu tư. “Không thể đổ thừa cho cơ chế và các nguyên nhân khách quan như vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cần có cách tiếp cận mới về các khoản đầu tư công, đặt ra quy định cụ thể quy trách nhiệm cho các chủ đầu tư”, Sở KH&ĐT Quảng Nam đề nghị.

Trong nhiều dự án chậm giải ngân đầu tư công, theo Sở KH&ĐT, đáng lo ngại nhất là các dự án sử dụng vốn ODA đều chậm tiến độ do vướng mặt bằng, có những dự án mất vốn (Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP. Hội An). Bên cạnh xem xét lại năng lực chủ đầu tư, tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng, theo Sở KH&ĐT Quảng Nam, cần khắc phục tình trạng đấu thầu chưa đảm bảo cạnh tranh, minh bạch, còn mất nhiều thời gian giải quyết kiến nghị; có trường hợp bỏ thầu giá thấp để trúng thầu, sau đó “bỏ của chạy lấy người” vì thấy không hiệu quả.

Về các biện pháp xử lý đối với tình trạng giải ngân chậm, Sở KH&ĐT Quảng Nam thừa nhận: “Cán bộ chuyên môn, ngành chuyên môn đều sợ trách nhiệm trong việc thẩm định hồ sơ dự án, nảy sinh tâm lý là giải quyết hồ sơ chậm cũng được, thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”.

Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, năm 2021 giải ngân đầu tư công của Tỉnh đạt 86,9% kế hoạch; năm 2022 đạt 79,7% và năm 2023 dự kiến đạt 71,2%, càng ngày càng giảm và đặt câu hỏi tại sao giải ngân thụt lùi. Ông Cường yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo quyết liệt, áp dụng các biện pháp mạnh. Tập trung củng cố bộ máy và năng lực cán bộ của các ban quản lý dự án và các địa phương. Đồng thời, kịp thời đề xuất điều chuyển vốn theo thẩm quyền.

Tin cùng chuyên mục