Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị, đề nghị cân nhắc và không nên vay vốn Trung Quốc để làm đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Bởi vì chúng ta đang cần vốn đầu tư, nếu vay được thì rất tốt, nhưng không kèm theo điều kiện. Việt Nam đã có nhiều bài học đắt giá với Trung Quốc, nếu cho vay thì cứ trả lãi, phải hết sức thận trọng, nếu phải kèm điều kiện thì cần kiên quyết loại bỏ chỉ định thầu Trung Quốc.
Theo giải đáp kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hiện nay, Bộ KH&ĐT chưa nhận được đề xuất của Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh về việc vay vốn ODA Trung Quốc để đầu tư xây dựng đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.
Tháng 12/2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để huy động vốn và triển khai đầu tư đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ninh chưa đề xuất vay vốn ODA Trung Quốc để đầu tư xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, UBND tỉnh Quảng Ninh đang nghiên cứu, lập dự án đầu tư tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đến nay, đã có một số nhà đầu tư trong nước bày tỏ quan tâm đến việc đầu tư dự án này.
Khoản tín dụng bên mua (300 triệu USD) của China Eximbank (Trung Quốc) là khoản vay kém ưu đãi hơn so với nguồn vốn vay ODA. Do đó, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính sẽ làm việc với các bộ, ngành để nghiên cứu lựa chọn dự án phù hợp, có khả năng thu hồi vốn cao, đảm bảo khả năng trả nợ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trong điều kiện nợ công của Việt Nam đang rất cao, việc vay vốn từ Trung Quốc hay từ các chính phủ và tổ chức tài chính khác để đầu tư cần thận trọng đối với điều kiện vay. Chỉ vay cho các dự án thực sự cần thiết và hiệu quả, cần phải đàm phán với nhà tài trợ về điều kiện vay để dự án vay phải đấu thầu quốc tế nhằm lựa chọn nhà thầu có năng lực và công nghệ hiện đại, hạn chế tối đa việc chỉ định tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) và không vay để thực hiện dự án bằng mọi giá.
Ngoài ra, để nhằm hạn chế và dần khắc phục tình trạng nhà thầu Trung Quốc yếu kém trúng thầu, Việt Nam phải tự chủ về vốn, tránh việc vay vốn Trung Quốc quá nhiều. Người có thẩm quyền, chủ đầu tư phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực trong việc tổ chức lập, phê duyệt dự án, đặc biệt là những dự án, gói thầu phải tổ chức đấu thầu quốc tế, trong đó tổng mức đầu tư của dự án phải phù hợp với công nghệ và xuất xứ của hàng hóa, thiết bị mong muốn;
Đồng thời, các chủ đầu tư phải nâng cao năng lực, đạo đức và trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ để bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu góp phần lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt phải quy định nội dung đánh giá về uy tín của nhà thầu trong việc thực hiện các hợp đồng trước đó. Theo đó, trường hợp nhà thầu tham dự thầu đã có lịch sử không hoàn thành hợp đồng thì sẽ bị đánh giá là không bảo đảm uy tín và hồ sơ dự thầu của nhà thầu sẽ bị loại.