Quỹ đất cho nhà xã hội ngày càng eo hẹp

Trong thời gian qua, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ để tạo quỹ đất và nguồn vốn đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai thiếu quyết liệt khiến quỹ đất cho nhà ở xã hội vẫn eo hẹp.
Quỹ đất cho nhà xã hội ngày càng eo hẹp

Nhiều chính sách tạo lập quỹ đất được ban hành

Theo Nghị định 90/2006/NĐ-CP, UBND địa phương có trách nhiệm xác định và bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội khi lập, phê duyệt quy hoạch. Mặt khác, căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương, UBND tỉnh được xem xét, quyết định việc chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị mới trên địa bàn có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên có trách nhiệm dành một phần diện tích không quá 20% diện tích đất ở của dự án để chính quyền địa phương phát triển nhà ở xã hội.

Quỹ đất này giao lại cơ quan nhà nước địa phương quản lý, UBND tỉnh quyết định lựa chọn đơn vị làm chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn được đầu tư từ quỹ phát triển nhà ở.

Năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định 71/2010, quy định chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại phải dành 20% diện tích đất xây dựng nhà ở để xây dựng nhà ở xã hội. Mặt khác, có quy định thêm trường hợp xây dựng nhà ở xã hội trong dự án phát triển nhà ở thương mại, thì chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại được đồng thời đảm nhận làm chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội. Nếu chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại không đảm nhận làm chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội, thì UBND tỉnh giao cho chủ đầu tư khác đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua.

Đến Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, không phân biệt quy mô diện tích đất bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT, BOT tại các đô thị và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng để xây dựng nhà ở xã hội.

Chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại đó có trách nhiệm trực tiếp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20%. Đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha, chủ đầu tư dự án được lựa chọn hình thức dành quỹ đất 20% hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% hoặc nộp bằng tiền tương đương nhằm bổ sung vào ngân sách địa phương dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

Về nguồn vốn, Luật Nhà ở 2005 quy định, nguồn vốn nhà nước đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội được hình thành từ các nguồn bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; trích từ 30-50% tiền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn…, nhưng Luật Nhà ở 2014, nguồn vốn này đã bị thu hẹp, chỉ còn nguồn từ ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển…

Chưa công khai đầy đủ thông tin

Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, tại các đô thị loại đặc biệt, loại 1, loại 2 và loại 3, trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm căn cứ vào nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn để bố trí đủ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội.

Chỉ đạo cơ quan chức năng xác định cụ thể vị trí, địa điểm, quy mô diện tích đất của từng dự án xây dựng nhà ở xã hội và phải được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà ở về đất đai và pháp luật về nhà ở. Tuy nhiên, trên thực tế, việc công bố thông tin này chưa được thực hiện một cách đầy đủ.

Về quỹ đất, các chủ đầu tư thường chọn phương án nộp tiền hoặc chuyển giao quỹ nhà (sàn xây dựng) thay cho việc cam kết quỹ đất 20%, khiến quỹ đất phát triển nhà ở xã hội ngày càng thu hẹp.

Về nguồn vốn, theo quy định mới, ngân sách dành để phát triển nhà ở xã hội quy định chung chung và do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Như vậy, chính sách phát triển nhà ở xã hội đã có những thay đổi lớn, nhưng việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Nếu không sớm có những điều chỉnh kịp thời, thì quỹ đất và nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở xã hội sẽ càng ngày càng eo hẹp. 

Tin cùng chuyên mục