Quy hoạch tỉnh Hòa Bình: Cần tiếp cận với tư duy mới, tầm nhìn mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều 5/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch Tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Lê Tiên
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Lê Tiên

Quy hoạch xác định 4 trụ cột tăng trưởng chính gồm: du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; nhà ở vệ tinh và 3 đòn bẩy hỗ trợ cho Hòa Bình gồm: giáo dục và phát triển nhân tài; mạng lưới y tế, chăm sóc sức khỏe; kết nối giao thông. Quy hoạch đưa ra kịch bản tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 9 - 9,2%/năm; GRDP bình quân đầu người là 185 triệu đồng; chuyển dịch sang công nghiệp sạch; tổng thu ngân sách nhà nước 16.000 - 18.000 tỷ đồng…

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh Hòa Bình trong công tác xây dựng quy hoạch, đồng thời nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của công tác quy hoạch và cho rằng, đây là cơ hội tốt để Hòa Bình tìm ra điểm nghẽn, động lực mới, giá trị mới để phát huy, tạo đột phá để đạt được các mục tiêu phát triển của Tỉnh.

Ngoài ra, với vị trí quan trọng, thuận lợi; là trung tâm kết nối giữa Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh miền núi phía Bắc; là cầu nối, bệ đỡ cho cả vùng Tây Bắc, Quy hoạch tỉnh Hòa Bình cần tiếp cận với tư duy mới, tầm nhìn mới, phải có lộ trình cụ thể, xác định mục tiêu, quan điểm, tầm nhìn, sứ mệnh để phát triển tương xứng với những tiềm năng, lợi thế này.

Tại Phiên họp, Hội đồng Thẩm định đã thông qua Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung. Quy hoạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình, đảm bảo nhanh và bền vững.

Tin cùng chuyên mục