“Rộng cửa” cho hàng Việt

(BĐT) - Tiếp sức cho quá trình nỗ lực đưa hàng Việt vào các dự án mua sắm công, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. 
Để đẩy mạnh việc đưa hàng Việt vào dự án mua sắm công, quan trọng nhất là hàng hóa phải có chất lượng và giá cả hợp lý. Ảnh: Lê Tiên
Để đẩy mạnh việc đưa hàng Việt vào dự án mua sắm công, quan trọng nhất là hàng hóa phải có chất lượng và giá cả hợp lý. Ảnh: Lê Tiên

Chỉ thị này được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt.

Gia tăng uy tín cho hàng Việt

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để chế tạo, sản xuất được những máy móc, thiết bị có chất lượng tốt được các chủ đầu tư/bên mời thầu “tín nhiệm” hơn, sử dụng nhiều hơn trong các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. 

Đơn cử trong lĩnh vực cung ứng các loại máy biến áp, theo thống kê sơ bộ của Báo Đấu thầu, từ tháng 11/2015 đến nay, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh – CTCP đã trúng khoảng 45 gói thầu cung cấp thiết bị cho các công trình điện trên cả nước. Trong số này có rất nhiều gói thầu lớn có giá trị hàng chục tỷ đồng như: Gói thầu A1 Cung cấp và lắp đặt hoàn chỉnh tại bệ 02 máy biến áp 220kV - 250MVA thuộc Dự án Trạm biến áp 220kV Quận 8, có giá trúng thầu 71,036 tỷ đồng; Gói thầu số 2 Cung cấp, vận chuyển, lắp đặt 04 máy biến áp 110kV/40MVA thuộc Dự án Mua sắm MBA 110 cho các dự án chống quá tải của NPC năm 2016, với giá trúng thầu 59,191 tỷ đồng…

Hầu hết các gói thầu nêu trên đều được lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, có tính cạnh tranh khá cao. “Thành công này đạt được là do Tổng công ty đã quyết tâm đổi mới công nghệ, tập trung mọi nguồn lực, làm chủ khoa học công nghệ trong việc nghiên cứu, thiết kế và Chế tạo, đáp ứng phần lớn nhu cầu về máy biến áp cho ngành điện”, Lãnh đạo Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh cho biết.

Với sự đầu tư bài bản từ công nghệ cho đến chất lượng nguồn nhân lực, thông qua đấu thầu cạnh tranh, hiện hầu hết các sản phẩm của Công ty CP chế tạo bơm Hải Dương (HPMC) đã có mặt tại các dự án nhiệt điện lớn như Phả Lại, Ninh Bình, Hải Phòng, Vũng Áng..., thay thế cho các sản phẩm nhập ngoại trước đây. Không dừng ở đó, sản phẩm bơm phục vụ cho các ngành công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp cũng được doanh nghiệp này tích cực đầu tư.

Chia sẻ về việc liên tục thắng thầu ở nhiều gói thầu/công trình lớn do các tập đoàn viễn thông mời thầu, ông Vũ Đình Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Cơ khí chính xác Thăng Long cho biết, đó là kết quả từ nỗ lực đầu tư khoa học công nghệ và con người. Riêng trong năm 2016, doanh nghiệp này đã thắng thầu hàng chục gói thầu sử dụng vốn nhà nước và liên tiếp thắng thầu ở thị trường nước ngoài. Với thành công này, ông Hồng cho hay, doanh thu năm 2016 của toàn Công ty là hơn 230 tỷ đồng, và Công ty đang phấn đấu đạt mức cao hơn trong năm 2017.

Trong khi đó, ông Bùi Quang Chuyện, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp này liên tục cập nhật danh mục máy móc, chi tiết máy móc sản xuất được để đăng ký với cơ quan chức năng. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để doanh nghiệp vừa bảo vệ được thành quả lao động của mình, vừa là cơ hội thông tin về sản phẩm mới với thị trường. 

Cùng nhìn về một hướng

Để Chỉ thị 13 đi sâu và rộng hơn vào cuộc sống, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm các sai phạm, điểm cốt lõi là hàng hóa sản xuất trong nước phải có chất lượng và giá cả hợp lý. Giải quyết được câu chuyện này, chắc chắn các chủ đầu tư, bên mời thầu sẽ tin tưởng và lựa chọn sử dụng hàng Việt nhiều hơn.
Đánh giá về tầm quan trọng của Chỉ thị mới ban hành, ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhìn nhận, Chỉ thị đã tạo thêm động lực để các doanh nghiệp sản xuất trong nước tiếp tục phát triển. Từ chỉ thị này, các doanh nghiệp sẽ có những chiến lược kinh doanh phù hợp để thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất nhằm cung ứng cho thị trường những sản phẩm chất lượng cao hơn, với giá cả cạnh tranh.

Còn theo ông Bùi Quang Chuyện, “Đặc biệt là Chỉ thị này giúp cho tất cả mọi người nhìn cùng một hướng về việc sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được. Các đơn vị mua sắm thực hiện đúng quy định về đấu thầu, không chia nhỏ gói thầu để lách luật...”.

Với Chỉ thị mới, ông Bùi Quang Chuyện cho rằng có hai vấn đề đặt ra. Thứ nhất, Chỉ thị khuyến khích các đơn vị trong nước sử dụng vốn ngân sách mua sản phẩm trong nước sản xuất được nhằm kích thích sản xuất, đem lại đời sống tốt hơn cho người lao động. Thứ hai là nhắc nhở các doanh nghiệp sản xuất khi phát minh, sáng tạo được những sản phẩm mới thì phải công bố để người tiêu dùng biết, cơ quan quản lý có chính sách hỗ trợ phát triển kịp thời.

Để Chỉ thị đi sâu và rộng hơn vào cuộc sống, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người, đặc biệt là các chủ đầu tư, bên mời thầu… nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa của việc sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được. Trường hợp những đơn vị nào vi phạm phải bị xử lý nghiêm.

Về phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Hồng Lam, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án lưới điện miền Trung cho rằng, điểm cốt lõi là hàng hóa sản xuất trong nước phải có chất lượng và giá cả hợp lý. Giải quyết được câu chuyện này, chắc chắn các chủ đầu tư, bên mời thầu sẽ tin tưởng và lựa chọn sử dụng hàng sản xuất trong nước nhiều hơn.

Tin cùng chuyên mục