Sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc chiến mới với Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau hơn 5 tháng chống chọi với đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, đến nay, dịch bệnh đang dần được khống chế tại tâm dịch và được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Để đạt được kết quả đó, có một phần đóng góp không nhỏ của lực lượng y tế tuyến đầu. Tuy nhiên, công việc phía trước còn nhiều, diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới cũng rất khó đoán định, cho nên, cần tiếp tục đề xuất, nghiên cứu và hoàn chỉnh các chính sách.
Ảnh Lê Tiên
Ảnh Lê Tiên

Đây là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Cuộc gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch Covid-19 diễn ra chiều ngày 18/10/2021.

Báo cáo tại Cuộc gặp mặt với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, với ngành y tế, hơn 5 tháng qua là thời gian thật sự khó khăn và đầy thử thách trong lịch sử của ngành. Cùng một lúc, ngành y tế phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ.

Đó là vừa thần tốc chống dịch, hạn chế số lượng ca mắc, điều trị giành giật sự sống cho các bệnh nhân, giảm thiểu số ca tử vong; vừa đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng bảo đảm hiệu quả, an toàn để sớm bao phủ vaccine cho người dân. Đồng thời, phải tiếp tục củng cố vững chắc thành trì an toàn tại các địa phương không có dịch và duy trì công tác chăm sóc sức khỏe khám và điều trị bệnh cho người dân.

Chỉ tính riêng trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, theo Lãnh đạo ngành y tế, hàng trăm nghìn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế tại các tỉnh, thành có dịch và gần 20.000 thầy thuốc đã chi viện từ các đơn vị y tế tuyến trung ương và địa phương trong hơn 5 tháng qua. Tại nhiều bệnh viện, các y bác sĩ đăng ký lên đường còn vượt quá cả số lượng dự kiến ban đầu. Kề vai sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu quân đội, công an và tình nguyện viên xung phong vào các điểm nóng dịch Covid-19, họ đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao độ của người thầy thuốc, bền bỉ vượt qua khó khăn, gian khó, dũng cảm đương đầu với dịch bệnh để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và giảm thiểu số ca tử vong.

Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực và đóng góp tích cực của lực lượng y tế, Thủ tướng cho biết: “Đảng, Nhà nước, Nhân dân thấu hiểu những gì mà lực lượng y tế đã làm trong suốt 2 năm qua, đặc biệt trong đợt dịch thứ 4 diễn ra hết sức khốc liệt với biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, lực lượng y tế đã đóng góp hết sức quan trọng, là lực lượng tuyến đầu chống dịch, cùng quân đội, công an và các lực lượng khác”.

Tuy vậy, công việc phía trước còn nhiều, diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới cũng rất khó đoán định. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo, ngành y tế cần tiếp tục đề xuất, nghiên cứu và hoàn chỉnh các chính sách.

Mặc dù đợt dịch lần thứ 4 đang từng bước được kiểm soát và các thầy thuốc chi viện đang lần lượt trở về nhà, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch Covid-19 vẫn đang còn, do đó chúng ta không được phép lơ là, mất cảnh giác. Ngay lúc này, các y bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai đang tới Cà Mau, Thanh Hóa. Dự kiến, tới cuối năm 2021, các trung tâm hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Trung ương Huế vẫn tiếp tục hoạt động tại TP.HCM để sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới.

“Đây là lúc đội ngũ thầy thuốc cần đúc rút những kinh nghiệm quý báu đã có được từ thực tế chống dịch để tăng cường năng lực, chuyên môn, đồng thời phối hợp với các cấp các ngành thực hiện tốt các hoạt động sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, hướng dẫn người dân chấp hành các quy định phòng dịch và xây dựng những thói quen có lợi cho sức khỏe”, Lãnh đạo ngành y tế nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế cũng bày tỏ mong muốn rằng, trong thời gian tới, với hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, các lãnh đạo địa phương, người dân cả nước thực hiện, làm theo cùng nhau, mỗi người có ý thức bảo vệ cho chính bản thân mình, gia đình và cộng đồng, có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống trở lại bình thường.

Đề xuất về giải pháp phòng chống dịch trong thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Bình Dương cho rằng, Việt Nam cần tiến tới xóa bỏ các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến và hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo cấp phường xã. Chiến lược này có thể áp dụng cho tất cả các địa phương tỷ lệ tiêm chủng cao như TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội...

Các bệnh viện cần tách đôi thành 2 lối đi riêng biệt cho người nhiễm và người không nhiễm Covid-19 thông qua việc xác định bằng test nhanh sàng lọc.

Khu điều trị Covid-19 nên chia làm 3 khu vực, gồm: Hồi sức cấp cứu, Điều trị bệnh mức độ vừa, và khu hậu Covid-19. Trong đó, khu điều trị cần đảm bảo có đầy đủ oxy hoá lỏng, trang thiết bị, thuốc, vật tư và nhân lực.

“Không sợ Covid-19 là cách sống mới mà chúng ta cần chấp nhận. Nếu tỷ lệ tử vong trong số người đã tiêm phòng như cúm mùa vậy sao ta phải sợ. Giảm tối đa các ca tử vong là nhiệm vụ của chúng tôi”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến chỉ ra rằng, những đợt dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy những bài học rất quan trọng như chú trọng nâng cao chất lượng y tế cơ sở; huy động khu vực y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch; tổ chức lại khu nhà ở cho công nhân và người lao động nhập cư…

“Đề nghị thời gian tới, cần có đầu tư xứng đáng hơn cho ngành y tế để các thầy thuốc có điều kiện phục vụ nhân dân tốt nhất. Một kỹ sư ra trường được vào làm cơ quan nhà nước, có máy tính, có phòng điều hòa, có bàn làm việc, nhưng bác sĩ chỉ có giường bệnh, dù thời gian đào tạo dài hơn”, ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khuyến nghị.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục