Theo đó, 49,5 triệu CP sẽ được SCIC chào bán cạnh tranh với mức giá khởi điểm 18.300 đồng/CP, số lượng đăng ký mua tối thiểu 20.000 đơn vị. Thời gian tổ chức chào bán cạnh tranh vào ngày 16/9/2016. Đây là toàn bộ số lượng CP VSH mà SCIC nắm giữ, tương đương 24% vốn điều lệ của VSH. Nếu thành công, đây sẽ là một trong những thương vụ thoái vốn lớn nhất của SCIC trong năm nay với số tiền tối thiểu thu về đạt trên 900 tỷ đồng.
Thực ra, đây không phải là thông tin mới mẻ. Đầu tháng 5 năm ngoái, SCIC cũng thông báo thoái vốn khỏi VSH với mức giá tương đương (18.300 đồng/CP). Tại thời điểm đó, thị giá VSH chỉ dao động xung quanh mức 13.000 - 14.000 đồng/CP. Mức giá chào bán của SCIC vì vậy cao hơn thị giá từ 4.000 - 5.000 đồng/CP, do đó không bất ngờ khi việc thoái vốn thất bại. Ở lần chào bán thứ 2 này, mức giá giữ nguyên, và vẫn đang tiếp tục cao hơn thị giá (hiện đang ở mức 16.600 đồng/CP).
Về mức giá chào bán có phần lạ lùng nói trên, có ý kiến cho rằng, SCIC phải chịu sức ép chào bán với mức giá không thấp hơn giá đầu tư ban đầu. Được biết, CP VSH do SCIC nắm giữ được tổ chức này nhận từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong một giao dịch thỏa thuận ngoài hệ thống ngày 31/12/2008. Vì là giao dịch ngoài hệ thống, mức giá trao đổi giữa EVN và SCIC vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, căn cứ lịch sử giá, thị giá của VSH lúc bấy giờ chỉ xung quanh mức 10.000 đồng/CP.
“Số phận” VSH gắn liền với dự án thủy điện đầy tai tiếng Thượng Kon Tum với những rùm beng giữa chủ đầu tư và nhà thầu Trung Quốc. ĐHĐCĐ thường niên 2016 của VSH cũng đã phủ quyết kế hoạch phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi để tài trợ vốn cho dự án này. Hiện VSH đang trông chờ sự hỗ trợ về vốn từ các ngân hàng để tiếp tục triển khai Thủy điện Thượng Kon Tum. Nếu được giải cứu, VSH sẽ khởi sắc, thúc đẩy quá trình thoái vốn của SCIC trở nên mau lẹ.