Sau khi chào bán công khai và chuyển nhượng CP cho VCAM, SCIC sẽ rút khỏi vai trò cổ đông của Hapharco. |
Theo đó, SCIC sẽ chuyển quyền sở hữu trực tiếp tại Tổ chức phát hành đối với 433.800 CP Hapharco. Giá khởi điểm được công bố lên tới 102.000 đồng/CP, gấp 10,2 lần mệnh giá.
Hapharco hiện có vốn điều lệ 28,3 tỷ đồng, tương đương 2,83 triệu cổ phiếu lưu hành. Trong đó SCIC đại diện Nhà nước nắm giữ 51% CP, tương đương 1,44 triệu CP.
Quỹ đầu tư Chứng khoán Bản Việt vào cuộc
Căn cứ Công văn số 90/CV-2015 ngày 10/11/2015 của Công ty CP Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Bản Việt (VCAM) và Công văn giới thiệu ngày 21/12/2015 của Hapharco, VCAM được chỉ định là nhà đầu tư chiến lược mua CP Hapharco từ SCIC.
Như vậy, ngoài 433.800 CP đơn vị được chào bán công khai, hơn 1 triệu CP còn lại của Hapharco do SCIC sở hữu sẽ được chào bán cho VCAM theo giá đấu thành công thực tế thấp nhất của số CP bán đấu giá. Nếu việc chào bán thành công, VCAM sẽ nắm giữ 35,7% CP Hapharco - là tỷ lệ đủ để VCAM phủ quyết bất kỳ nội dung nào ở các cuộc họp đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của Hapharco. ĐHCĐ lấy ý kiến bằng văn bản của Hapharco ngày 1/2/2016 cũng đã chính thức thông qua việc VCAM sẽ nhận chuyển nhượng trên 25% CP Hapharco mà không cần thông qua chào mua công khai.
Theo tính toán, số tiền tối thiểu mà Quỹ đầu tư Chứng khoán Bản Việt bỏ ra để nắm giữ 35,7% CP Hapharco là 103 tỷ đồng. Tuy nhiên đó chỉ là con số tối thiểu. Số tiền thực tế sẽ căn cứ vào kết quả đấu giá ra công chúng sắp tới. VCAM cũng sẽ là tổ chức nắm giữ CP với tỷ lệ cao nhất tại Hapharco. Sau khi chào bán công khai và chuyển nhượng CP cho VCAM, SCIC sẽ chính thức rút khỏi vai trò cổ đông của Hapharco.
Tài sản “phình to” nhờ chiếm dụng vốn
Với vốn điều lệ tương đối khiêm tốn (28,3 tỷ đồng), tổng tài sản của Hapharco tính đến cuối quý II/2015 lên tới 1.150 tỷ đồng. Tổng tài sản của Hapharco “phình to” chủ yếu nhờ việc chiếm dụng/bị chiếm dụng vốn.
Cụ thể, tại thời điểm cuối quý II/2015, Nợ phải trả của Hapharco lên tới 1.015 tỷ đồng, gấp 7,5 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Chiếm tỷ trọng đáng kể trong phần Nợ phải trả của Hapharco chính là khoản 782 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn. Ở phần tài sản, 2 khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất của Hapharco là các khoản phải thu ngắn hạn 508 tỷ đồng và Hàng tồn kho 441 tỷ đồng. Tài sản dài hạn của Công ty chỉ vỏn vẹn gần 33 tỷ đồng, tương đương 2,9% giá trị tổng tài sản tại cùng thời điểm.
Với cấu trúc vốn chủ sở hữu tương đối gọn nhẹ, thu nhập trên mỗi CP (EPS) của Hapharco đang ở mức đáng mơ ước. 9 tháng đầu năm 2015, với lợi nhuận 15,11 tỷ đồng, EPS của công ty đạt 5.332 đồng/CP. Năm 2013 và 2014, EPS của Hapharco còn rực rỡ hơn, lần lượt đạt 11.850 và 15.195 đồng/CP. Lợi nhuận của Công ty tăng từ mức 22,4 tỷ đồng lên 35 tỷ đồng trong 2 năm nói trên.
EPS cao là một trong những lý do CP Hapharco được kỳ vọng ở mức giá cao trên 100.000 đồng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, với cơ cấu tài sản như đã nói ở trên, mặc dù EPS của Hapharco luôn ở mức cao, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của Công ty lại ở con số khá khiêm tốn, chỉ xung quanh mức 1 - 3% mỗi năm.
Tài nguyên đất vàng
Hiện Hapharco đang có 15 khu đất đang sử dụng đã xác định tình trạng pháp lý là các trụ sở, chi nhánh, nhà thuốc trên khắp địa bàn Hà Nội với tổng diện tích theo biên bản bàn giao lên tới 5.791 m2.
Bên cạnh đó là 12 lô đất đang sử dụng chưa có hồ sơ pháp lý đầy đủ. Trong đó có khu đất vàng Số 2 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội với diện tích theo biên bản bàn giao là 673 m2, khu đất 50 - 52 - 54 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội với diện tích 626,3 m2 cùng nhiều lô đất khác ở khu vực trung tâm.
Như vậy, bên cạnh kết quả kinh doanh khả quan, thu nhập bình quân trên mỗi CP duy trì ở mức cao, các mảnh đất mà Hapharco đang sử dụng cũng là những điểm khiến giá khởi điểm của CP Hapharco cao gấp 10 lần mệnh giá.
Đợt thoái vốn này nếu thành công, SCIC sẽ thu về tối thiểu 147 tỷ đồng, trong đó 44 tỷ đồng từ đấu giá công khai và 103 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư Chứng khoán Bản Việt. Ngày 30/3/2016, việc bán đấu giá CP SCIC sở hữu sẽ chính thức diễn ra, quyết định số tiền mà SCIC có thể thu về cũng như Quỹ đầu tư Chứng khoán Bản Việt chi ra để làm cổ đông chiến lược của Hapharco.