Sẽ có khoản thu ngân sách đáng kể nếu thoái vốn Sabeco thành công

Ngày mai (18/12), Chính phủ sẽ chào bán khoảng 343,3 triệu cổ phần, tương đương 53,59% vốn điều lệ tại Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến, đã có cuộc trao đổi với báo chí về những vấn đề liên quan đến việc thoái vốn tại Sabeco lần này.
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến.
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến.

Thưa ông, thị trường trong giai đoạn gần đây đang “nóng” với việc thoái vốn tại Sabeco. Ông có nhận định gì về sự tác động của Sabeco đối với thị trường tài chính, đặc biệt là với lĩnh vực ngân sách?

Sabeco là một khoản đầu tư trọng điểm của Chính phủ, cùng với nhiều khoản đầu tư hiệu quả như Vinamilk… Sabeco đang được thị trường, nhà đầu tư rất quan tâm. Nếu bán vốn thành công thì khoản thu về ngân sách để tái đầu tư phát triển rất lớn.

Đặc biệt, bán vốn tại Sabeco có ý nghĩa rất lớn đó là thực hiện lời hứa với nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước rằng Nhà nước không đầu tư những lĩnh vực tư nhân làm được. Thị trường Việt Nam đang có hiệu ứng rất tốt từ APEC. Khi Vinamilk thoái vốn thuận lợi, niềm tin càng tăng lên, điều này có ý nghĩa rất lớn.

Tất nhiên, nếu thoái vốn thành công với giá cao cũng mang lại lợi ích lớn cho người dân nói chung. Năm 2017, tình hình bão lũ thiên tai nhiều, nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng lớn, Quốc hội lại mới thông qua các dự án quan trọng như cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành… Việc có thêm nguồn lực rất có ý nghĩa để thêm nguồn lực đầu tư cho xã hội.

Vừa qua, tôi đã gặp gỡ một số nhà đầu tư, và thấy họ rất tin tưởng, quyết tâm. Vì vậy, tôi hy vọng thương vụ này thành công. Còn thành công bao nhiêu phải để thị trường trả lời, không đoán trước được. Về phía Bộ Tài chính, Cục Tài chính doanh nghiệp có trách nhiệm là cơ quan tham mưu, đã làm hết trách nhiệm, tham gia với Bộ Công Thương để tạo thuận lợi nhất, công khai, minh bạch, để nhà đầu tư, người dân, Chính phủ yên tâm rằng việc thoái vốn đã được chuẩn bị kỹ, đúng quy định.

Hiện sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài rất tốt. Có nhà đầu tư sẵn sàng mua 51% chứng tỏ họ rất quan tâm, chờ đợi thương vụ đầu tư này.

Không ít kiến cũng bày tỏ lo ngại, nếu thương vụ thành công, một loạt thương hiệu lớn của Việt Nam lại rơi vào cùng một tập đoàn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Việc họ mua được hay không phải chờ thị trường quyết định. Họ đưa ra con số đó, chưa hẳn họ đã mua như vậy. Với nguyên tắc hiện nay, ai trả giá cao thì người đó mua được, rất bình đẳng. Xét về tư cách cá nhân, nếu họ thực hiện hợp pháp, đúng quy định, quy chế đấu giá thì tất nhiên họ được mua.

Trong một ngành mà nhà nước không có chủ trương nắm giữ, và họ phải cam kết giữ thương hiệu theo quy định, thì tại sao chúng ta phải hạn chế? Dư luận cũng có đặt ra một số vấn đề nhưng nếu đọc kỹ quy chế, phương án đấu giá sẽ thấy chúng ta đã yêu cầu nhà đầu tư phải cam kết với Chính phủ giữ thương hiệu của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng cần phải phân biệt rõ vấn đề này, nếu họ làm đúng nguyên tắc thị trường, quy chế, công khai, minh bạch thì sẽ được mua. Những ý kiến dư luận nêu cũng là sự tham khảo để ban chỉ đạo, cơ quan quản lý xem xét. Tuy nhiên, nếu họ độc quyền, thâu tóm giá... thì sẽ xử lý theo luật pháp, chứ không có lý do gì hạn chế họ, hay phân biệt nhà đầu tư này được mua, nhà đầu tư kia không được mua ở đây. Trong cuộc chơi này phải theo nguyên tắc thị trường, theo quy chế chúng ta đề ra.

Thưa ông, việc tìm kiến nhà đầu tư phù hợp có khó khăn hơn không khi mà việc cổ phần hoá, thoái vốn thời gian gần đây đang tập trung vào những doanh nghiệp rất lớn, tỷ lệ bán ra cũng lớn?

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có 4, 5 cuộc kêu gọi đầu tư, có tác động tích cực thu hút nhà đầu tư với môi trường chính sách ổn định, sự nhất quán của Chính phủ. Cùng với hiệu ứng từ APEC, điều này đã tạo ra làn sóng thu hút nhà đầu tư vào Việt Nam. Chưa bao giờ dòng tiền nước ngoài vào thị trường nhiều như vậy, do đó đây là cơ hội để doanh nghiệp thoái vốn, cổ phần hoá, cung gặp cầu.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị sản phẩm theo đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn của thị trường. Tới đây, chúng tôi đang nghiên cứu phương pháp bán vốn, thoái vốn theo thông lệ quốc tế, như hình thức book building, đây là điều mà các nhà đầu tư lớn hướng tới. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã quyết tâm trong việc yêu cầu sau khi cổ phần hoá phải niêm yết ngay.

Bên cạnh đó, việc thoái vốn phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nếu không sẽ rất lúng túng. Hai năm qua, công việc chuẩn bị đã được tiến hành. Ngay khi Bộ trưởng Bộ Tài chính tham dự roadshow tổ chức tại Nhật Bản, Bộ trưởng cũng đề nghị nhà đầu tư nói rõ họ cần gì, để từ đó có hướng xử lý. Về phía Sabeco, hai năm vừa qua việc này tiến hành chậm vì cũng còn vướng thủ tục, cơ chế. Tuy nhiên đó cũng là thời gian để nhà đầu tư tìm hiểu, đánh giá thị trường. Và việc họ muốn mua số lượng lớn, giá lên cao, cũng chứng tỏ họ rất quan tâm.

Đến nay, có thể nói quá trình cổ phần hoá đã thực sự thay đổi về chất, sân chơi của Việt Nam đã phù hợp với một số nguyên tắc cơ bản của thị trường như về thông lệ thị trường, công khai, minh bạch, quản trị…, tất nhiên không thể phù hợp hết vì mỗi quốc gia có đặc điểm riêng.

Tin cùng chuyên mục