Nhà đầu tư nên cẩn trọng với nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ nhưng bỗng dưng có hàng loạt phiên tăng trần. Ảnh: Tiên Giang |
Từ đầu tháng 11 đến ngày 29/11, cổ phiếu IDI của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I liên tục tăng mạnh từ mức giá 8.600 đồng lên 25.300 đồng (tương ứng tăng 194%), trong đó có 13 phiên tăng trần. Trước diễn biến đó, Chủ tịch HĐQT Công ty là ông Lê Thanh Thuấn đăng ký bán ra toàn bộ 12,535 triệu cổ phiếu (tương ứng 5,51% vốn điều lệ Công ty) vào khoảng thời gian từ 2/12 - 30/12. Ngay sau thông tin này, giá cổ phiếu giảm sàn 3 phiên liên tiếp không có người mua. Những nhà đầu tư mua cổ phiếu này vào ngày 29/11 đã mất đi 20,5% giá trị trong vòng 3 ngày.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với cổ phiếu TNI của Công ty CP Tập đoàn Thành Nam. Từ ngày 11/11 đến 26/11, cổ phiếu TNI đã có 12 phiên tăng trần liên tiếp, từ mức giá 6.700 đồng lên 13.700 đồng (tương ứng tăng 104%). Tổng giám đốc Công ty là Nguyễn Hùng Cường đã đăng ký bán ra gần 0,4 triệu cổ phiếu để phục vụ nhu cầu cá nhân. Ngay sau thông tin này, giá cổ phiếu đã có 4 phiên giảm sàn liên tiếp từ ngày 29/11 - 2/12. Đáng nói, TNI tăng giá trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Công ty thiếu tích cực với số lỗ 0,724 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021.
Bên cạnh đó có thể kể tới cổ phiếu CEO của Công ty CP Tập đoàn CEO. Chỉ từ đầu tháng 11/2021 đến nay, cổ phiếu này đã tăng giá hơn 3 lần từ mức giá 12.500 đồng lên hơn 42.000 đồng. Đi cùng với đợt tăng giá, Phó Tổng giám đốc và thành viên Ban Kiểm soát đăng ký bán ra cổ phiếu sở hữu. Tuy nhiên, đà tăng này không tương ứng với kết quả kinh doanh của CEO. Sau 9 tháng năm 2021, CEO lỗ 223 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán không ít lần chứng kiến cổ phiếu của nhiều DN yếu kém tăng mạnh gấp đôi, gấp ba chỉ trong thời gian ngắn. Khi lãnh đạo DN hay người thân đăng ký bán ra tại vùng đỉnh, giá cổ phiếu giảm sốc khiến nhiều nhà đầu tư khóc dở mếu dở.
Đáng chú ý gần đây là câu chuyện Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Bảo Hoàng của Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã chứng khoán: TDH) bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước thời điểm bị bắt, ông Hoàng và Công ty CP Phát triển Nhà Daewon - Thủ Đức (công ty có liên quan) đã kịp bán ra hơn 2 triệu cổ phiếu TDH vào cuối tháng 10/2021. Kể từ ngày 9/9/2021, cổ phiếu TDH đã có 10 phiên tăng trần liên tiếp từ mức giá 7.800 đồng lên 15.050 đồng (tương ứng tăng 93%).
Thậm chí, thời gian gần đây khi thị trường chứng khoán tăng nóng, xảy ra rất nhiều vụ việc lãnh đạo và người thân âm thầm bán cổ phiếu mà không thông báo dự kiến giao dịch lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) theo quy định. Đơn cử như vụ việc bà Nguyễn Hương Giang (người có liên quan của ông Đặng Tất Thắng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn FLC) không công bố thông tin về việc dự kiến mua 80 nghìn cổ phiếu FLC trong tháng 1/2021; mua 60 nghìn cổ phiếu FLC trong tháng 2/2021; bán 140 nghìn cổ phiếu FLC trong tháng 3/2021. SSC đã đưa ra mức phạt 80 triệu đồng đối với cá nhân này. Tháng 3/2021 cũng là thời điểm cổ phiếu FLC có nhịp tăng mạnh từ mức giá 6.300 đồng lên 12.750 đồng.
Theo lãnh đạo của một công ty chứng khoán, nhà đầu tư nên cẩn trọng với các cổ phiếu của DN kinh doanh thua lỗ nhưng bỗng dưng có hàng loạt phiên tăng trần, khiến giá đạt đỉnh. Nếu không tỉnh táo, mua theo đám đông, mua theo “phím hàng”, nhà đầu tư dễ rơi vào tình trạng xả hàng không kịp khi cổ phiếu này đảo chiều. Một dấu hiệu thấy rõ ở những chuỗi tăng trần và giảm sàn với những cú kéo và xả hết biên độ cho phép là điều không bình thường, nhà đầu tư cần thận trọng…