Để tìm hiểu về phương pháp đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nghiên cứu này, nhân dịp đầu năm Bính Thân, phóng viên đã tìm đến ông Mạc Quang Huy, Tổng Giám đốc CTCK Maritime Bank và là tác giả của cuốn sách Cẩm nang Ngân hàng đầu tư để nghe ông chia sẻ về những kỳ vọng mà "book building" đem lại đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Xin ông mô tả về phương pháp dựng sổ (book building)?
Phương pháp dựng sổ (book building) là một phương pháp phát hành chứng khoán thông dụng tại các thị trường tài chính phát triển. Theo phương pháp này, một ngân hàng đầu tư (công ty chứng khoán) sẽ đứng ra dựng hồ sơ, quảng bá và đo nhu cầu thị trường đối với đợt phát hành thông qua việc dựng sổ nhu cầu mua của các nhà đầu tư (tổ chức và cá nhân) ở các mức giá khác nhau (nằm trên mức giá sàn được xác định trước).
Thông qua đó, ngân hàng đầu tư sẽ giúp doanh nghiệp chốt một mức giá phát hành thống nhất cho đợt phát hành đó, đảm bảo sự thành công của đợt phát hành đồng thời mang lại hiệu quả tài chính tốt nhất cho doanh nghiệp. Vì vậy bản chất của book building là một phương pháp giúp chủ thể phát hành xác định mức giá hiệu quả nhất cho đợt phát hành được thành công.
Phương pháp này có điểm khác biệt thế nào so với phương pháp đấu giá (Hà Lan) đang được áp dụng phổ biến trong hoạt động chào bán, phát hành tại HOSE và HNX?
Có một số khác biệt giữa phương pháp phát hành dựng sổ và phương pháp đấu giá truyền thống.
Đối với phương pháp dựng sổ, doanh nghiệp và nhà tư vấn hướng tới sự thành công của đợt phát hành. Nhà tư vấn (ngân hàng đầu tư) đo nhu cầu thị trường và điều chỉnh đợt phát hành một cách linh hoạt, trong khi đối với phương pháp đấu giá, việc đo lường nhu cầu thị trường rất hạn chế nên có thể bị thất bại.
Đối với phương pháp dựng sổ, giá chốt phát hành sẽ là một mức giá duy nhất cho các nhà đầu tư. Việc phân bổ chứng khoán thường do ngân hàng đầu tư (công ty chứng khoán) quyết định dựa trên sổ đăng ký. Trong khi đó, phương pháp đấu giá kiểu Hà Lan, các mức giá trúng sẽ lựa chọn từ cao xuống thấp, nghĩa là sẽ có nhiều mức giá trúng khác nhau. Phương pháp đấu giá kiểu Hà Lan có xu hướng quan tâm nhiều hơn và hướng tới việc tối đa hóa số tiền thu được của đợt phát hành.
Trong thực tế tại một số quốc gia phát triển, việc dựng sổ khi IPO thường giúp nhà đầu tư tham gia thị trường sơ cấp có được một cái giá khá “dễ chịu” và họ có khả năng có lãi khi cổ phiếu chào sàn sau đó. Việc này làm tăng sức hấp dẫn của phương pháp dựng sổ đối với các nhà đầu tư.
"Cổ phần hóa phụ thuộc vào ý chí của người đứng đầu"
Liệu phương pháp này có thể được áp dụng phổ biến hơn so với đấu giá theo truyền thống? Liệu có giúp hoạt động thoái vốn và cổ phần hóa nhanh hơn?
Mỗi phương pháp phát hành đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định. Ưu điểm của phương pháp đấu giá kiểu Hà Lan là dễ thực hiện, có thể tối đa hóa số tiền thu được từ đợt phát hành. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là tạo ra nhiều mức giá cho các nhà đầu tư khác nhau trong cùng một đợt phát hành, dẫn đến sự e dè và thận trọng khi tham gia. Hơn nữa, chủ thể phát hành khó đo lường được mức độ thành công của đợt phát hành, dẫn đến những trường hợp ế đấu giá như chúng ta đã chứng kiến.
Nếu áp dụng phương pháp dựng sổ, kết hợp với việc ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán thực hiện bảo lãnh phát hành thì xác xuất thành công đối với IPO hoặc thoái vốn sẽ cao hơn.
Việc đẩy nhanh hoạt động thoái vốn Nhà nước và cổ phần hóa tại Việt Nam không thực sự phụ thuộc vào việc áp dụng phương pháp nào, mà phụ thuộc vào ý chí của người đứng đầu doanh nghiệp, của bộ ngành chủ quản. Nếu họ muốn làm nhanh như Bộ Giao Thông đã làm trong năm qua thì họ có thể làm tốt.
Tuy nhiên, như tôi đã nói, việc áp dụng phương pháp dựng sổ kèm theo bảo lãnh phát hành sẽ đảm bảo tính thành công cao hơn của đợt phát hành/ thoái vốn, mặc dù có thể không nhất thiết tối đa hóa số tiền thu được từ đợt phát hành.
"Ưu thế thuộc về các công ty chứng khoán lớn"
Diện mạo của hoạt động tư vấn, ngân hàng đầu tư tại Việt Nam nếu áp dụng book building?
Việc áp dụng phương pháp dựng sổ hiện nay đã được các công ty chứng khoán áp dụng cho các đợt phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, việc áp dụng cho các đợt phát hành đại chúng là chưa khả thi do hồ sơ phát hành trình lên cơ quan chức năng phải quy định mức giá phát hành ngay, mà thông tin này chỉ có được sau khi việc dựng sổ được hoàn tất.
Tôi không nghĩ hoạt động tư vấn tài chính doanh nghiệp của các công ty chứng khoán có sự tăng trưởng mạnh ngay lập tức sau khi áp dụng book building. Việc này cần thời gian để các doanh nghiệp và các nhà đầu tư làm quen.
Hơn nữa, việc dựng sổ chỉ thành công nếu áp dụng cùng bảo lãnh phát hành mà hiện tại các công ty chứng khoán Việt Nam thường có quy mô vốn nhỏ nên khá e ngại với bảo lãnh phát hành theo phương pháp chắc chắn. Những đợt IPO lớn của các doanh nghiệp nhà nước sẽ cần các ngân hàng đầu tư quốc tế tham gia và lôi kéo các nhà đầu tư quốc tế vào cuộc để hấp thụ hết số chứng khoán chào bán.
Việc áp dụng phương pháp book building vào thị trường Việt Nam là cần thiết, chỉ là vấn đề thời gian và là tiền đề để các công ty chứng khoán cạnh tranh nhau một cách bình đẳng và thể hiện khả năng tư vấn của mình. Tất nhiên, những công ty chứng khoán có vốn lớn, tiềm năng tài chính và có đội ngũ nhân sự giỏi sẽ thành công trong cuộc đua này.
Ngoài phương pháp này, cơ quan quản lý còn có thể áp dụng phương pháp chào bán, phát hành nào nào nữa?
Ngoài các phương pháp trên, chúng ta có thể áp dụng phương pháp đấu giá Hà Lan nhưng áp dụng cùng một mức giá cho các nhà đầu tư trúng giá. Đó là mức giá trúng thấp nhất. Việc này sẽ làm giảm tính thận trọng của nhà đầu tư tham gia và làm tăng xác xuất thành công của đợt đấu giá, mặc dù có thể không tối đa hóa số tiền thu được.
Xin cảm ơn ông!