Khái niệm này sẽ tác động đến việc xác định lại DNNN, tương ứng là cách thức quản lý phù hợp.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Luật DN 2014 quy định rõ: “DNNN là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”. Còn Nghị quyết 12 yêu cầu: “DNNN là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối”.
Bộ KH&ĐT cho biết, hiện có 2 hệ thống quy định về DNNN. Một là hệ thống trực tiếp bao gồm Luật DN, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại DN và các văn bản hướng dẫn thi hành (17 nghị định). Hai là hệ thống pháp luật có liên quan gồm Luật Ngân sách nhà nước; Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật Xây dựng; Luật Thủy lợi; Bộ luật Dân sự; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Ngân sách nhà nước. Điểm chung là tất cả các văn bản đều tiếp cận theo nguyên tắc chỉ coi DNNN là DN do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, bao gồm công ty mẹ, DNNN độc lập.
Với yêu cầu mới, nghiên cứu đánh giá tác động sửa khái niệm DNNN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nêu rõ: “Nếu sửa khái niệm DNNN là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối thì sẽ tác động đến hệ thống pháp luật hiện hành”.
Theo đó, tại cuộc họp tham vấn ý kiến phương án quy định về DNNN tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật DN diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: “Luật DN sửa đổi lần này phải khái quát hóa, định nghĩa chính xác nhất về DNNN để các luật khác sử dụng”.
Cho ý kiến tại cuộc họp, đa số các ý kiến tiếp tục khẳng định khái niệm về DNNN chỉ nên được quy định tại một luật gốc, đó chính là Luật DN để các luật liên quan sử dụng. Đại diện Bộ Xây dựng bày tỏ: “Nên định nghĩa DNNN chỉ ở 1 luật là Luật DN, không nên định nghĩa DNNN ở các luật khác để tránh tạo xung đột”.
Tán thành ý kiến này, đại diện Vụ Pháp chế thuộc Bộ Nội vụ nhấn mạnh: “Luật DN cần quy định rõ thế nào là DNNN để đây thực sự là khái niệm mang tính dẫn dắt, các luật khác dẫn chiếu cho phù hợp. Bởi vậy, chúng ta không ngại việc phải sửa lại các luật liên quan nếu việc sửa là phù hợp, khuyến khích các DN phát triển”.
Đề xuất 3 phương án xác định có cổ phần, vốn góp chi phối
Trên thực tế, số lượng DNNN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo Luật DN hiện còn không nhiều (trên 500 DN), nhưng Nghị quyết 12 có bổ sung DNNN còn bao gồm các DN mà Nhà nước có cổ phần, vốn góp chi phối. Do đó, câu hỏi đặt ra là tác động của việc thay đổi khái niệm DNNN sẽ như thế nào, tiêu chí nào xác định có cổ phần, vốn góp chi phối?
Giải đáp câu hỏi này, Bộ KH&ĐT đề xuất 3 phương án xác định chi phối để tham vấn. Phương án 1, DNNN là DN Nhà nước sở hữu nắm giữ 65% vốn điều lệ, tổng số cổ phần. Phương án 2, Nhà nước sở hữu nắm giữ 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần (hoặc 51%). Phương án 3, Nhà nước sở hữu nắm giữ 36% vốn điều lệ, tổng số cổ phần.
Với 3 phương án đề xuất, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phân tích: “Phương án 1 đảm bảo Nhà nước chi phối tuyệt đối. Tuy nhiên, xét trong hệ thống pháp luật hiện nay thì có sự khác biệt nên kiến nghị không chọn. Với phương án 3, nếu chọn sẽ tác động bất lợi đến cổ phần hóa, gây tâm lý không an tâm đối với nhà đầu tư khi sở hữu đa số cổ phần mà vẫn bị coi là DNNN. Do đó, ban soạn thảo kiến nghị không chọn. Riêng phương án 2, Nhà nước đảm bảo chi phối (phù hợp Nghị quyết 12). Phương án 2 cũng khá thống nhất, tương đồng với cách phân loại DN có sở hữu nhà nước hiện nay nên kiến nghị lựa chọn”.
Nhiều ý kiến cũng tán thành lựa chọn phương án 2. Lý do là phương án này không trái với quan điểm Nghị quyết 12, bao quát được các nội dung kiểm soát DN trong thực hiện; đồng thời dễ dàng xác định được loại DN nào được coi là DNNN; phân định rõ ràng quyền cổ đông nhà nước và cổ đông khác…