Sửa Luật Đấu giá tài sản: Gỡ vướng mắc, tăng minh bạch trong thực thi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi quy định của pháp luật về đấu giá tài sản trong thời gian qua. Một số ý kiến cho rằng, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá theo lộ trình phù hợp, đồng thời, quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản phải bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.
Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định bán hồ sơ cho người tham gia đấu giá, tiến tới đăng tải công khai hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản. Ảnh: Nhã Chi
Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định bán hồ sơ cho người tham gia đấu giá, tiến tới đăng tải công khai hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản. Ảnh: Nhã Chi

Tại Phiên họp Hội đồng thẩm định Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vừa được Bộ Tư pháp tổ chức mới đây, đại diện Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh quan điểm, phạm vi sửa đổi của Dự thảo Luật cần phải bám sát nguyên tắc sửa đổi theo Nghị quyết số 27/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2/2023. Theo đó, những vấn đề bất cập nhất, vướng mắc nhất thì đưa vào sửa đổi, bổ sung. Việc lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật không chỉ gửi đến các thành viên trong Ban soạn thảo và một số bộ, ngành liên quan, mà phải gửi hồ sơ xin ý kiến tới các cơ quan phản biện xã hội và tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan nhà nước khác…

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu tham dự Phiên họp là vấn đề liên quan tới trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, cụ thể là quy định về bước giá. Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Hà Nội, Dự thảo Luật quy định, bước giá là mức chênh lệch tối thiểu hoặc tối thiểu và có tối đa hoặc cố định giữa lần trả giá đầu tiên so với giá khởi điểm hoặc giữa lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề. Nhưng trên thực tế có những hình thức đấu giá không có sự trả giá trước và sau như: đấu giá bằng hình thức trả giá gián tiếp hoặc đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng. Với những hình thức này, việc trả giá diễn ra cùng lúc mà không có ai trả giá trước hay trả giá sau. Vậy trong trường hợp này, bước giá được áp dụng như thế nào?

Về thông báo công khai việc đấu giá tài sản, so với Luật hiện hành, Dự thảo Luật bỏ quy định về việc đăng thông báo trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá. Việc thông báo công khai được quy định theo hướng thông báo ít nhất 2 lần trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 2 ngày làm việc.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, bổ sung quy định về: tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên, điều kiện hành nghề đấu giá, quyền và nghĩa vụ, đăng ký hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá theo lộ trình phù hợp; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản bảo đảm phù hợp với thực tiễn, khả thi, có tính đến một số loại tài sản đấu giá đặc thù, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản, người tham gia đấu giá, đồng thời tăng cường tính chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch; trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Đại diện Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Hà Nội đề xuất, quy định này nên được xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm các thông tin đấu giá được công khai, minh bạch. Nếu các tổ chức đấu giá có cách thức “lách” được quy định này thì cuộc đấu giá dễ bị “thao túng”, tiềm ẩn tiêu cực trong đấu giá.

Trong quá trình lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật, Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định bán hồ sơ cho người tham gia đấu giá. Theo đó, các hồ sơ này sẽ được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp cận, bảo đảm tính công khai, minh bạch. Từ đó có thể tính đến việc bỏ quy định về thu, chi, quản lý và sử dụng tiền bán hồ sơ đấu giá do Bộ Tài chính quy định. Bộ Tài chính chỉ quy định một số nội dung liên quan đến tài sản công như việc quản lý, sử dụng tiền đặt trước mà người tham gia đấu giá không được nhận lại theo quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng ủng hộ quan điểm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong đấu giá tài sản, đồng thời lưu ý cần đưa vào Luật sửa đổi những nội dung chọn lọc, thật sự cần thiết sửa đổi để khắc phục 5 nhóm hạn chế được nêu tại Dự thảo Tờ trình Dự án Luật, đặc biệt là tình trạng thông đồng, dìm giá.

“Thực tế cho thấy, việc bán hồ sơ đấu giá hiện nay còn rất nhiều vấn đề có thể hạn chế quyền của người tham gia đấu giá; thời gian niêm yết thông báo đấu giá còn ngắn, chưa hiệu quả. Do vậy, nếu việc công khai hồ sơ qua mạng giúp tăng tính minh bạch thì hoàn toàn có thể quy định”, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng yêu cầu nghiên cứu việc liên kết với các cơ sở dữ liệu khác có liên quan như công chứng, đất đai để tăng tính thuận tiện, minh bạch.

Tin cùng chuyên mục