Việc rà soát để bãi bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ chế kiểm soát ban hành là vấn đề quan trọng. Ảnh: Tiên Giang |
Cần thống nhất phương án sửa đổi
Theo Bộ KH&ĐT, kết quả rà soát độc lập, tổng hợp những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đấu thầu của Bộ KH&ĐT cũng như kết quả rà soát của Bộ Tư pháp đều cho thấy, những vướng mắc trong quá trình thực hiện 3 Luật trên có liên quan hoặc phát sinh trực tiếp từ quy định của các Luật về đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường… Trong khi đó, các Bộ, ngành đang đề xuất sửa đổi, bổ sung riêng rẽ các Luật nêu trên mà chưa có sự phối hợp, trao đổi thống nhất với nhau về phạm vi, nội dung cũng như hình thức sửa đổi của từng Luật.
Mặt khác, đến nay, các Bộ, ngành cũng chưa có điều kiện đánh giá toàn diện về tác động của nội dung sửa đổi, bổ sung trong chính nội tại của mỗi Luật thuộc phạm vi quản lý của mình cũng như giữa Luật đó với cả hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh. Do đó, Bộ KH&ĐT cho rằng, các Bộ, ngành cần có thêm thời gian để trao đổi, thống nhất phương án tổng thể sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan đất đai, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường trước khi lập đề xuất sửa đổi riêng rẽ từng Luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình.
Ngoài ra, hiện Bộ KH&ĐT đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành rà soát trên 4.000 điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng với 243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Kết quả rà soát bước đầu cho thấy sự cần thiết phải bãi bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí tuân thủ điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp. Đồng thời, những hạn chế trong quá trình thực hiện quy định của Luật Đầu tư về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện quy định về vấn đề này của Luật Đầu tư nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu nêu trên, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế kiểm soát ban hành và thực hiện quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh.
Ban hành 1 Nghị định sửa đổi là không khả thi
Trước đó, tại Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 đã giao Bộ KH&ĐT nhiệm vụ xây dựng Nghị định sửa đổi một số Nghị định nhằm tạo cơ chế liên thông trong thực hiện thủ tục đầu tư, kinh doanh, đất đai, môi trường và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, việc ban hành một nghị định để xử lý tất cả các vấn đề vướng mắc nói trên là chưa thật sự khả thi vì các nội dung dự kiến quy định tại Nghị định sửa đổi này đã được quy định trong các Luật khác nhau (đầu tư, kinh doanh, môi trường, xây dựng, đất đai…). Hiện nay, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Bảo vệ môi trường cũng đang được đề xuất sửa đổi, bổ sung theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 83/NQ-CP.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Do đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tập trung xây dựng Đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ KH&ĐT thay cho việc tổ chức xây dựng Nghị định sửa đổi nói trên để tránh trùng lặp trong việc thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ phân công, tiết kiệm nguồn lực và bảo đảm tính dài hạn, ổn định trong việc xây dựng, thi hành pháp luật. Và đây cũng là lý do Bộ KH&ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép không tiếp tục tổ chức xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.