Tạo lực đẩy sản xuất thuốc, thiết bị y tế từ mua sắm xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những chính sách được kỳ vọng tạo lực đẩy cho ngành sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế (TTBYT) trong nước phát triển, trong đó có các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, là chính sách mua sắm công. Tuy vậy, cho đến nay, vẫn chưa có quy định cụ thể, chuyên sâu về vấn đề này.
Xu hướng phát triển hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường ngày càng phổ biến. Ảnh: Nhã Chi
Xu hướng phát triển hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường ngày càng phổ biến. Ảnh: Nhã Chi

Từ thực tiễn dịch bệnh Covid-19 thời gian qua cho thấy, việc ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước trong lĩnh vực y tế là rất cần thiết. Tuy nhiên, có sự khan hiếm hàng hóa trong nước cho lĩnh vực y tế, một phần do dây chuyền sản xuất đã lạc hậu hoặc không còn sử dụng (ví dụ như dây chuyền sản xuất vắc xin phòng bệnh bại liệt). Một phần do vùng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trước đây khá dồi dào, nhưng nay đã không còn (ví dụ như cây thanh cao hoa vàng làm nguyên liệu sản xuất thuốc sốt rét Artesunate). Ngoài ra, các yếu tố đầu ra rất hạn chế của hàng hóa không thu hút được các nhà sản xuất/cung ứng, kể cả khi đặt hàng với số lượng và giá cao hơn nhiều lần so nhu cầu và giá thị trường (ví dụ như việc mua thuốc sốt rét Artesunate, vắc xin phòng bại liệt…).

Đối với các TTBYT (máy móc, thiết bị y tế, vật tư thay thế bộ phận cơ thể như thủy tinh thể nhân tạo, máy tạo nhịp tim, stent động mạch, các loại khớp giả...) được cập nhật, ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ rất nhanh chóng, đang ở vị trí mũi nhọn trong việc ứng dụng công nghệ cao và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong chi phí khám, chữa bệnh. Trong thời gian không xa, tỷ trọng này sẽ ngang bằng và vượt chi phí tiền thuốc trong khám, chữa bệnh. Để đầu tư cho sản xuất TTBYT trong nước, ngoài nhu cầu về vốn, công nghệ và thị trường, cần có tầm nhìn và chính sách phù hợp với quá trình chuyển đổi/ứng dụng công nghệ, tránh tình trạng khi đi vào sản xuất thì công nghệ đã lạc hậu. Định hướng thúc đẩy sản xuất trong nước chỉ nên áp dụng cho những ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh và ngành hàng phục vụ cho lĩnh vực an ninh quốc gia.

Đối với những ngành hàng Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh, Luật Đấu thầu có thể bổ sung quy định về việc đặt/mua hàng thông qua một tổ chức của Liên hợp quốc (UN) mà Việt Nam là thành viên. UN đã có thỏa thuận mua sắm dài hạn với các nhà sản xuất đảm bảo uy tín, hàng hóa đã đáp ứng và cập nhật các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, hiệu quả, quy trình sản xuất, cung ứng và kiểm soát chất lượng. UN cung cấp dịch vụ phi lợi nhuận cho các nước thành viên, do vậy, ngoài việc đảm bảo giá cả hợp lý, còn đảm bảo các khía cạnh kỹ thuật và pháp lý trong mua sắm đấu thầu mà không vướng các quy định về cạnh tranh trong mua sắm.

Ngoài ra, Luật Đấu thầu cũng cần có định hướng cụ thể để các bộ chuyên ngành ban hành quy định, hướng dẫn về việc chủ động hội nhập thị trường quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu của UN để từng bước nâng cao chất lượng thuốc, TTBYT sản xuất trong nước, cũng như cải thiện năng lực sản xuất/cung ứng của Việt Nam.

Để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh, việc mua hàng nhập khẩu hiện vẫn là phương thức cơ bản. Song hiện vẫn còn thiếu những quy định chuyên sâu trong các văn bản hướng dẫn dưới luật, chưa có sự tích hợp giữa kỹ thuật và giá. Trong khi đó, định hướng ưu tiên về giá trong đấu thầu TTBYT hiện nay vô hình trung gây khó cho việc lựa chọn những trang thiết bị chất lượng cao.

Mặt khác, Điều 14 của Luật Đấu thầu quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, trong đó có ưu đãi cho nhà thầu cung cấp hàng hóa có từ 25% chi phí sản xuất trong nước trở lên. Tuy nhiên, chưa có quy định về ưu đãi theo định hướng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Quy định về ưu đãi trong đấu thầu tại Mục 3 Chương 1 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP cũng không đề cập đến chính sách ưu đãi cho các sản phẩm/dịch vụ thân thiện với môi trường. Hướng dẫn chi tiết các quy định của Luật và Nghị định, mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa cũng chưa có định hướng cho một nền kinh tế xanh.

Xu hướng phát triển hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường ngày càng phổ biến trên thế giới… Ở trong nước, vì còn thiếu các tiêu chí quản lý về kinh tế để ưu tiên lựa chọn sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường nên hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường chưa có lợi thế cạnh tranh về giá so với hàng hóa, dịch vụ thông thường. Thua kém về lợi thế cạnh tranh - đầu ra của sản phẩm, dịch vụ, nên hoạt động sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường chưa thể phát triển.

Tin cùng chuyên mục