Khách hàng chưa thỏa mãn
Với dân số gần 100 triệu người, kinh tế đang phát triển và có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng tạo đòn bẩy cho ngành du lịch tăng trưởng, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng của vận tải hàng không.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2017, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt, cùng với đó có 7,5 triệu lượt người Việt Nam du lịch ra nước ngoài và trên 70 triệu lượt người Việt du lịch trong nước. Đa số khách hàng đã lựa chọn hàng không là phương thức di chuyển.
Vì vậy, tăng trưởng trong lĩnh vực hàng không của Việt Nam hiện nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đạt trên 20%/năm. Hàng không và du lịch được ví như “hai cánh tay” đắc lực, phối hợp nhịp nhàng mang lại giá trị kinh tế lớn.
Quy Nhơn, một trong những địa điểm du lịch hàng đầu Việt Nam
Tuy nhiên, điều này vẫn chưa làm thỏa mãn đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng. Mối quan tâm của du khách cả quốc tế và nội địa là làm sao có thể đến những nơi mình lựa chọn nhanh nhất, không phải đi qua các điểm trung chuyển. Tuy nhiên, các hãng hàng không và nhiều DN lữ hành chưa và không đáp ứng được hết.
Trên thị trường hiện vẫn tồn tại nhiều bất hợp lý. Chẳng hạn như khách du lịch từ nước ngoài muốn đến như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Quảng Bình, Thanh Hóa, Phú Quốc... để nghỉ ngơi, thường phải bay ít nhất là 2 chặng. Chặng đầu sẽ đến những sân bay lớn tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh, sau đó là chuyển tiếp. Nhiều khi khách bay đến Nội Bài hay Tân Sơn Nhất từ sáng, nhưng lại phải chờ tới chiều, mới có thể bay tiếp đến Quy Nhơn, Quảng Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc...
Với khách nội địa, nhiều người cũng phải di chuyển về Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh rồi mới bay đến các điểm trên. Không những thế, các chuyến bay từ Hà Nội hay Tp Hồ Chí Minh đến Quy Nhơn, Quảng Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc... vừa ít, giá vé lại cao. Chẳng hạn như bay chặng Hà Nội - Quy Nhơn, giá vé còn đắt hơn bay Hà Nội- TP HCM, dù quãng đường ngắn hơn.
Như vậy, thời gian và tiền bạc của du khách bị lãng phí, trong khi kỳ nghỉ không phải là bất tận.
Chờ đợi cơ hội bay thẳng
Với chiến lược tập trung vào các đường bay thẳng, Hãng hàng không Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC cho biết, sẽ mang lại cho mọi người cơ hội bay đến những địa danh này, một cách nhanh nhất cùng một dịch vụ hàng không chất lượng cao, giá hợp lý.
“Mối quan tâm của chúng tôi là làm sao du khách quốc tế cũng như du khách nội địa có thể bay thẳng đến những điểm du lịch nhiều tiềm năng của Việt Nam, mà không cần phải đi qua các điểm trung chuyển không cần thiết. Từ đó tiết kiệm thời gian và công sức di chuyển”, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Tổng giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways cho biết về sự khác biệt của hãng.
Chuẩn bị đi vào hoạt động vào cuối năm 2018, mới đây Chủ tịch Tập đoàn FLC đã ký kết hợp đồng thỏa thuận mua 24 máy bay A321NEO với Airbus dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pháp François de Rugy. Hiện tại Bamboo Airways đang xúc tiến thuê 10 máy bay để bay đảm bảo kế hoạch bay ngay cuối 2018.
Bamboo Airways sẽ mở các tuyến bay nội địa dành ưu tiên cho những thị trường du lịch mới nổi trong nước như Thanh Hóa, Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Phú Quốc… Với đường bay quốc tế, trọng tâm khai thác trong tương lai gần của hãng là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan, Philippines…
Thay vì đổ về những điểm trung chuyển truyền thống như Nội Bài hay Tân Sơn Nhất, khách hàng của Bamboo Airways sẽ được bay thẳng tới các điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.
Các tuyến bay như Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha Trang, Hải Phòng - Quy Nhơn, Hạ Long - Tp.HCM, Hạ Long- Cam Ranh, Hạ Long- Đà Nẵng… và ngược lại được thiết lập, sẽ mang lại những tiện ích lớn cho khách hàng
Ký kết hợp đồng thoả thuận giữa Tập đoàn FLC và Airbus
Bamboo Airways
Ngoài hợp đồng thỏa thuận mua 24 máy bay A321NEO với Airbus, Bamboo Airways cũng dự kiến sẽ tiếp tục đặt mua thêm 26 máy bay thân rộng Airbus A321 LR nâng tổng số phi cơ lên 50 chiếc. Để đảm bảo cho kế hoạch bay rất tham vọng, Bamboo Airways sẽ cần tới 100 máy bay vào năm 2025.