Phiên IPO lớn nhất năm 2016
Với giá khởi điểm 14.290 đồng/cổ phần, giá trị vốn hóa của VEAM được định giá tương ứng lên tới 19.000 tỷ đồng, đưa đợt IPO của VEAM trở thành đợt IPO lớn nhất trong năm 2016. Bởi lẽ đó, buổi roadshow không chỉ thu hút các nhà đầu tưcá nhân, mà các tổ chức tài chính, công ty chứng khoán và các ông lớn cùng ngành cũng âm thầm theo dõi, do VEAM vẫn chưa chốt cổ đông chiến lược.
Theo Phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng phê duyệt, Nhà nước sẽ nắm giữ 678 triệu cổ phần tại VEAM, chiếm 51% vốn điều lệ, bán ưu đãi cho người lao động 5,7 triệu đơn vị, chiếm 0,43% vốn, bán cho nhà đầu tư chiến lược là 478 triệu đơn vị, chiếm 36% vốn và 167 triệu cổ phần sẽ được bán đấu giá ra công chúng, chiếm 12,57% vốn điều lệ. Điều này đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ thu về ít nhất gần 2.400 tỷ đồng từ phiên đấu giá và gần 6.900 tỷ đồng từ các cổ đông chiến lược nếu mọi việc suôn sẻ.
Theo ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch HĐTV VEAM, sau khi IPO, cổ phiếu của VEAM sẽ đăng ký giao dịch trên Upcom trong vòng 90 ngày theo quy định và chính thức niêm yết tại 1 trong 2 Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 1 năm.
Doanh nghiệp sở hữu nhiều “mỏ vàng”
Sức hấp dẫn của phiên IPO này không chỉ đến từ những con số ngàn tỷ kể trên hay sự hứa hẹn về tính thanh khoản, mà còn bởi VEAM đang là doanh nghiệp ăn nên làm ra nhờ sở hữu vốn tại nhiều doanh nghiệp, công ty con và các thương hiệu liên doanh lớn. Cụ thể, VEAM có 4 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 12 công ty con và 9 công ty liên doanh, liên kết.
Đáng chú ý nhất, VEAM đang sở hữu 30% vốn tại liên doanh với Honda Việt Nam, 20% vốn tại liên doanh Toyota Việt Nam và sở hữu 25% vốn của Ford Việt Nam thông qua một công ty con mà VEAM đang sở hữu 100% vốn. Tổng vốn đầu tư vào 3 đơn vị này ban đầu chỉ là 558 tỷ đồng, song đến cuối năm 2014 đã tăng lên gần 8.400 tỷ đồng, tăng gấp 15 lần. Chưa kể, hàng chục năm qua, các liên doanh này đã trả cho VEAM cả chục ngàn tỷ đồng cổ tức.
Với việc thống lĩnh và nắm giữ 70% thị phần xe máy tại Việt Nam, Honda Việt Nam cũng chính là đơn vị mang lại nhiều giá trị thặng dư nhất cho VEAM về giá trị khoản vốn đầu tư và tiền cổ tức hàng năm. Từ khoản góp vốn ban đầu 253 tỷ đồng, khoản đầu tư này đã trở thành hơn 7.100 tỷ đồng. Năm 2015, VEAM nhận được 3.390 tỷ đồng tiền cổ tức thì có 2.677 tỷ đồng từ Honda Việt Nam và 678 tỷ đồng từ Toyota Việt Nam. Các khoản vốn góp tại 3 liên doanh này có hiệu lực trong 40 năm và đều mới chỉ đi hết nửa chặng đường.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2014, VEAM đạt 3.325 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, năm 2013 là 2.354 tỷ đồng. Năm 2015, riêng công ty mẹ VEAM đạt lợi nhuận sau thuế 3.366 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, giống như nhiều phiên IPO của các doanh nghiệp nhà nước lớn khác, VEAM cũng sở hữu quỹ đất rộng lớn hàng trăm nghìn mét vuông ở nhiều tỉnh trong cả nước dưới hình thức thuê đất từ vài chục năm đến vĩnh viễn.
Ngoài lợi thế trên, VEAM cũng có một số thế mạnh về các sản phẩm phục vụ công nghiệp hóa nông nghiệp. Dự kiến năm 2020, cơ giới hóa nông nghiệp đạt ít nhất 70%. Đây là động lực tiêu thụ sản phẩm của công ty. Tuy phải chịu cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc khi giá thành hàng Trung Quốc luôn rẻ bằng một nửa so với sản phẩm của VEAM, nhưng ông Trần Ngọc Hà, Tổng giám đốc VEAM khẳng định, sản phẩm của VEAM bán tốt.
Theo kế hoạch, sau IPO, VEAM đặt mục tiêu doanh thu 5.715 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ công ty liên kết tăng lên 3.700 tỷ trong năm 2016. Lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng.
Không dễ trở thành cổ đông chiến lược
Tại buổi roadshow cuối tuần qua, ông Chuyện cho biết, đến năm 2018, VEAM sẽ hoàn tất xây dựng lộ trình thoái vốn của Nhà nước và Nhà nước sẽ không nắm giữ cổ phần chi phối. Đây là thông tin mà nhiều nhà đầu tư lớn mong muốn làm cổ đông chiến lược của VEAM rất quan tâm.
Chủ tịch VEAM cho biết, doanh nghiệp rất quan tâm đến các nhà đầu tư nước ngoài và đã tiếp xúc với một số đối tác, song hiện chưa thể ấn định nhà đầu tư chiến lược, nhưng số lượng là không quá 3 nhà đầu tư. Ngày 22/8 sẽ là hạn cuối để nhà đầu tư chiến lược đăng ký tham gia, và giá bán cho nhà đầu tư chiến lược sẽ không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất được xác định ngày 29/8.
Theo tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của VEAM, nhà đầu tư chiến lược hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phải có khả năng tiêu thụ các sản phẩm do VEAM sản xuất, kinh doanh, tiếp thị các sản phẩm của VEAM và các đơn vị thành viên ra thị trường trong và ngoài nước, phải mua ít nhất 10% vốn cổ phần và nắm giữ cổ phần tối thiểu 5 năm.
Trên thị trường tài chính đã có thông tin về việc Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) mong muốn mua toàn bộ 36% cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược tại mức giá 10.050 đồng để trở thành nhà đầu tư chiến lược của VEAM. Vinamco không phải là cái tên quá xa lạ khi đầu năm nay doanh nghiệp này đã chi ra 1.250 tỷ đồng để mua lại 97,7% cổ phần của Tổng công ty Vinamotor từ Bộ Giao thông vận tải.
Vinamco là doanh nghiệp đang vận hành showroom Honda Tây Hồ, một đại lý lớn của Honda Việt Nam. Vinamco cũng có liên hệ mật thiết với BRG Group, tập đoàn đã tham gia đầu tư vào khá nhiều đợt IPO lớn trong thời gian qua như trở thành cổ đông chiến lược của Thăng Long GTC hay OSC Việt Nam.
Như vậy, nếu như muốn trở thành cổ đông nắm giữ 36% cổ phần tại VEAM, Vinamco hay bất cứ nhà đầu tư nào sẽ phải bỏ ra ít nhất gần 6.900 tỷ đồng, trong khi VEAM đang là doanh nghiệp được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Với điều kiện khắt khe cùng với số tiền phải bỏ ra để trở thành cổ đông chiến lược là vô cùng lớn, sẽ không dễ cho nhà đầu tư nào muốn ôm trọn VEAM.