Thị trường đất đấu giá Hà Nội sôi động

0:00 / 0:00
0:00
Bất chấp dịch Covid-19 đang tác động nặng nề đến thị trường bất động sản, thị trường đất đấu giá tại các quận, huyện Hà Nội lại sôi động lạ thường. Các ô đất đấu giá đều thành công và có mức giá trúng vượt xa so với mức giá khởi điểm ban đầu.
Các ô đất đấu giá đều thành công mức giá trúng vượt xa so với mức giá khởi điểm ban đầu
Các ô đất đấu giá đều thành công mức giá trúng vượt xa so với mức giá khởi điểm ban đầu

Giá tăng mạnh

Mặc dù đang trong thời điểm tháng cô hồn (tháng 7 âm lịch) nhưng phiên đấu giá đất tại khu vực Bờ Vai, xã Kim Bài, huyện Thanh Oai hết sức sôi động.

Đại diện Trung tâm quỹ đất huyện Thanh Oai cho biết, hơn 40 ô đất vừa được đấu giá thành công với mức giá trúng gấp đôi giá khởi điểm đề ra. Cụ thể, các ô dãy đường to giá khởi điểm là 18 triệu đồng/m2, nhưng giá trúng thấp nhất đạt 42 triệu đồng/m2, các ô vị trí lô góc trên 60 triệu đồng/m2. Các ô vị trí đường nhỏ giá khởi điểm 12 triệu đồng/m2 nhưng giá đấu thành công trung bình ở mức 22 triệu đồng/m2. Trước đó, phiên đấu giá đất tại xã Tam Hưng cũng thành công rực rỡ, 27 lô đất đấu giá đều tìm được chủ nhân với mức giá trúng cao hơn 1,2 lần so với giá sàn.

Tại huyện Hoài Đức, mặt bằng đất đấu giá tăng trưởng 10 - 20% so với năm 2019. Các ô đất đấu giá tại An Khánh hiện nay đã lên lên 45 - 55 triệu đồng/m2. Một số khu vực khác như Song Phương, Đông La, Lũng Kiên, Trại Gà tăng khoảng 15% so với mức giá trúng.

Tương tự, tại huyện Đông Anh, các phiên đấu giá đất đều thu hút được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đơn cử, khu N-04 Bắc Sông Thiếp giá trúng đấu giá đạt mức 70 - 80 triệu đồng/m2; khu vườn Đào, mức giá trúng đã đạt ngưỡng cao nhất 116 triệu đồng/m2, thấp nhất 81 triệu đồng/m2 trong khi giá khởi điểm chỉ là 35 triệu đồng/m2. Điều đặc biệt, sau khi trúng đấu giá, các ô đất đưa ra thị trường giao dịch lại tiếp tục tăng lên với mức chênh lệch 200 - 300 triệu đồng/lô đất.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng - Trưởng phòng Tài chính huyện Đông Anh cho biết, nhiều năm nay, huyện Đông Anh đã được đầu tư tốt về hạ tầng nên mặt bằng đất đấu giá đã tăng mạnh. Năm 2019, huyện đã thu về cho ngân sách 1.700 tỷ đồng tiền đất đấu giá, vượt khoảng 500% kế hoạch đề ra ban đầu theo chỉ tiêu UBND TP. Hà Nội giao là 369,6 tỷ đồng.

Giới đầu tư săn đón

Thị trường đất đấu giá Hà Nội trở nên rất sôi động trong 1 - 2 năm gần đây là do có sự tham gia của giới đầu tư. Nhất là trong bối cảnh “miếng bánh” trên thị trường bất động sản đang bị thu hẹp dần. Đơn cử, phân khúc chung cư đầu tư không có lãi, phân khúc đất nền do có lệnh cấm phân lô, bán nền nên việc nhà đầu tư phải trả tiền xây thô khiến thanh khoản khó khăn, chi phí vốn đầu tư lớn, khó có lợi nhuận.

Việc chuyển hướng sang đất đấu giá sẽ có nhiều lợi thế hơn như diện tích đất chia nhỏ, nhà đầu tư được tự xây dựng. Điều quan trọng, đó là hạ tầng kỹ thuật được đầu tư hoàn chỉnh, quy hoạch rõ ràng và pháp lý chuẩn. Nhà đầu tư không phải đối mặt với bất cứ rủi ro nào.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, thành công trong việc đấu giá các khu đất thời gian qua tại các quận, huyện Hà Nội đến từ nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là việc các cấp chính quyền đã đưa ra nhiều phương án để nâng cao giá trị các khu đất. Trong đó, các khu đất trước khi được đem ra đấu giá đều có hồ sơ quy hoạch chi tiết, quy hoạch giao thông, xây dựng được cập nhật đầy đủ và đúng phương án đã được phê duyệt. Do đó, nhà đầu tư đã nhìn thấy được tiềm năng, lợi thế và đấu giá “sát sườn”, đúng với giá trị của các khu đất. Việc đấu giá cũng được thông tin rộng rãi đến các nhà đầu tư. Từ đó, các phiên đấu giá thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.

Ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc CTCP BĐS EZ Việt Nam, cho rằng, phân khúc đất nền là phân khúc trú ẩn tốt, giữ được giá, tính thanh khoản tốt. Trong bối cảnh nguồn cung đất nền dự án khan hiếm do chuyển đổi cơ chế giao đất vì vậy các nhà đầu tư nhạy bén đã tìm đến các phiên đấu giá đất nhỏ lẻ tại các quận, huyện thuộc Hà Nội. Mặc dù, việc đấu giá với mục đích lướt sóng khó đem lại lợi nhuận cao bởi các mức giá trúng đã bị đẩy lên nhưng với nhà đầu tư có tiềm lực tài chính nếu đầu tư dài hạn lợi nhuận sẽ chắc chắn, an toàn.

“Nhiều người luôn có suy nghĩ đầu tư đất chỉ là để kiếm lợi nhuận mà quên mất câu chuyện đầu tư còn để bảo toàn vốn, bảo toàn tài sản, tránh tiền có thể mất giá. Do vậy, đầu tư đất nền cần phải theo “nguyên tắc vàng”, đó là pháp lý an toàn. Nghĩa là chỉ nên rót vốn vào những khu đất đã có sổ hoặc đủ điều kiện pháp lý để có những sản phẩm an toàn tuyệt đối. Đây được xem là nguyên tắc vàng khi đầu tư bất động sản. Vì vậy, đất đấu giá luôn là “miếng bánh” hấp dẫn đối với nhà đầu tư” - ông Toản nhấn mạnh.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, năm 2020 toàn thành phố sẽ có 500 dự án đấu giá quyền sử dụng đất (tăng 47 dự án); tổng diện tích đất đấu giá là 316,23 ha (tăng 29,3 ha). Dự kiến tổng thu từ kết quả trúng đấu giá là 23.426,72 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục