Từ năm 2013 đến nay, hoạt động kinh doanh của Xi măng Tuyên Quang liên tục đi xuống. Ảnh: Anh Quyền |
Nếu thương vụ thoái vốn này thành công, Tuyên Quang kỳ vọng thu về ít nhất 9,68 tỷ đồng. Song, với tình trạng tài chính bết bát của Xi măng Tuyên Quang, UBND tỉnh Tuyên Quang có thoái vốn thành công?
Thua lỗ kéo dài
Theo bản công bố thông tin của Xi măng Tuyên Quang, năm 2013, Công ty lỗ 55 tỷ đồng, tổng lỗ lũy kế đến 31/12/2013 là 157,7 tỷ đồng. Đến năm 2014, hoạt động kinh doanh tiếp tục đi xuống nhưng thấp hơn so với năm 2013, âm 25,6 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2014 là 184,4 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 126,9 tỷ đồng.
Năm 2015, lợi nhuận sau thuế của Công ty vẫn tiếp tục âm 32 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến thời điểm ngày 31/12/2015 là 214,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 157 tỷ đồng. Tổng nợ vay ngân hàng năm 2015 là 230 tỷ đồng, gấp gần 4 lần vốn điều lệ, chi phí lãi vay quá cao đã ăn mòn lợi nhuận của Công ty.
Căn cứ tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của Công ty cho thấy, hoạt động của Xi măng Tuyên Quang thể hiện sự yếu kém trầm trọng, thua lỗ kéo dài. Công ty đang trong tình trạng mất cân đối về tài chính.
Trong Báo cáo tài chính kiểm toán tổng hợp năm 2015, đơn vị kiểm toán cho ý kiến, Công ty chưa lập Bảng phân tích tuổi nợ đối với các khoản nợ phải thu và trích lập dự phòng cho các khoản nợ đã quá hạn thanh toán, nợ khó đòi theo quy định tại Thông tư 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009. Theo ước tính của đơn vị kiểm toán, tổng số nợ cần phải trích lập khoảng 5,148 tỷ đồng; số dư tài khoản 242 - Chi phí trả trước dài hạn đang theo dõi khoản mục Chi phí lãi vay từ các năm trước và chưa được kết chuyển vào kết quả kinh doanh trong kỳ với số tiền hơn 31,6 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính kiểm toán tổng hợp năm 2015 cũng nhấn mạnh, Công ty khó có khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả trong điều kiện hoạt động bình thường, cụ thể: tổng nợ phải trả lớn hơn tổng tài sản; lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2015 là 214,5 tỷ đồng; các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi; hàng tồn kho kém, mất phẩm chất chưa được đánh giá dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Thực trạng này chỉ ra sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể gây ra sự nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016 của Công ty cũng ghi nhận “tiếp tục thua lỗ” với số lỗ là 49,9 tỷ đồng. “Công ty tiếp tục rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính và khó khăn trầm trọng”.
Không dễ thoái vốn
Doanh nghiệp này chính thức được cổ phần hóa vào tháng 4/2005 với số vốn điều lệ là 20,444 tỷ đồng, trong đó Nhà nước (UBND tỉnh Tuyên Quang) nắm giữ 51% vốn điều lệ. Sau đó, tháng 9/2012, Công ty bổ sung tăng vốn điều lệ thành 55 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 55% vốn điều lệ. Tính đến thời điểm ngày 1/8/2016, UBND tỉnh Tuyên Quang sở hữu số cổ phần là 3,025 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, sau nhiều năm làm ăn thua lỗ, tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty này giai đoạn 2014 - 2015 thể hiện “sự yếu kém trầm trọng”. Với giá khởi điểm được đưa ra là 3.200 đồng/CP, UBND tỉnh Tuyên Quang đang chấp nhận bán lỗ cổ phần tại Xi măng Tuyên Quang.
Được biết, giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần của Công ty CP Xi măng Tuyên Quang được xác định theo Phương pháp hệ số giá trên doanh thu (P/S) do đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam thẩm định và được UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt.
Giới chuyên môn nhận định, mặc dù giá khởi điểm thấp hơn nhiều so với mệnh giá nhưng với tình trạng tài chính bết bát của Công ty như hiện nay, UBND tỉnh Tuyên Quang không dễ thoái vốn tại Xi măng Tuyên Quang.