Thương vụ thoái vốn Nhà nước đầu tiên năm 2021 thu hút dư luận?

0:00 / 0:00
0:00
Nếu HĐQT PVPower quyết định bán 19,93 triệu cổ phần Công ty CP Máy - Thiết bị Dầu khí mà không tuân thủ nguyên tắc thị trường… thì có thể tiềm ẩn nguy cơ định giá thấp tài sản nhà nước?
Thương vụ thoái vốn Nhà nước đầu tiên năm 2021 sẽ thu hút sự quan tâm của dư luận? Ảnh: Internet
Thương vụ thoái vốn Nhà nước đầu tiên năm 2021 sẽ thu hút sự quan tâm của dư luận? Ảnh: Internet

Nắm giữ nhiều tài sản quý

Ngay sau khi Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) công bố sẽ thoái hết vốn tại Công ty CP Máy - Thiết bị Dầu khí PVMachino (PVM-upcom), lực cầu mạnh mẽ xuất hiện khiến cổ phiếu PVM bật tăng trần với khối lượng khớp lệnh cao vọt. Tuy nhiên, điều khó hiểu khiến dư luận thắc mắc là tại sao bán một tài sản có giá trị lớn là cổ phần chi phối ở PVM mà PVPower không công bố công khai giá khởi điểm, thời gian bán, phương thức thoái vốn (sẽ đấu giá công khai hay bán theo hình thức khớp lệnh trên sàn?)…

Sở dĩ thương vụ thoái vốn ở PVM thu hút sự chú ý của đông đảo giới đầu tư là do PVM sở hữu nhiều tiềm năng lợi thế. PVM nổi tiếng có vốn góp (với tổng giá trị sổ sách chỉ là 98 tỷ) trong 3 liên doanh "gà đẻ trứng vàng", chuyên sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy cung cấp cho BMW, Honda, Harley Davidson... Ba liên doanh này hoạt động rất hiệu quả, hàng năm mang lại cho PVM khoản cổ tức lớn: Năm 2016 PVM thu được 100 tỷ đồng cổ tức và lợi nhuận được chia, năm 2017 là 84 tỷ, năm 2018 là 80 tỷ, năm 2019 là 81,3 tỷ và năm 2020 là 83,6 tỷ.

Bên cạnh đó, PVM quản lý và sử dụng nhiều BĐS ở vị trí đắc địa, ví dụ 1.827,69m2 đất tại Số 8 Tràng Thi - Hoàn Kiếm (HN); lô đất 23600 m2 tại đường Đào Cam Mộc (Đông Anh, HN); quyền sử dụng đất vô thời hạn thửa đất 44-2 tại số 5 cụm 4 phường Khương Đình (Thanh Xuân, HN).

PVM đã nhiều năm liên doanh với Công ty Bách Hóa Hà Nội để khai thác lô đất số 7 Đinh Tiên Hoàng (khu nhà Hồ Gươm Plaza-Hàm Cá Mập). Ngoài ra PVM sở hữu 10% vốn góp tại Dự án "Khu chung cư cao cấp, dịch vụ hỗn hợp - KĐT Nam An Khánh" thuộc lô HH3 của dự án Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội).

Không chỉ PVM mà các công ty con, công ty liên kết của PVM ở Sài Gòn, Đà Nẵng… cũng là những viên ngọc quý. Ví dụ khi lên sàn upcom cách đây 6 năm, Công ty CP Máy thiết bị dầu khí Đà Nẵng (DAESCO) đã nổi tiếng nắm trong tay nhiều BĐS: 218,8m2 ở Số 53 Trần Phú Q.Hải Châu - Đà Nẵng; 1.806,8m2 ở 51 Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu - Đà Nẵng (thời hạn 50 năm); 3.241,6m2 ở Số 495 Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu; 1.5356m2 ở Số 10 Nguyễn Phục, Phường Thọ Quang, quận Sơn Trà - Đà Nẵng. Mới đây DAESCO lại có được lô đất ở khu ĐTM Đông Nam Thụy An – Số 141 Nguyễn Tất Thành, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế để đầu tư xây dựng MITSUBISHI DAESCO HUẾ. Không những vậy, DAESCO còn là một đại lý rất lớn của hãng ô tô Mitsubishi. Năm 2019 DAESCO đạt doanh thu 806 tỷ, tương đương với sản lượng xe bán ra là 1.356 xe.

Giá trị thị trường ước tính của các tài sản vốn góp liên doanh và BĐS của PVM và các công ty trong hệ sinh thái PVM có thể lên tới khoảng vài nghìn tỷ đồng, trong khi giá trị sổ sách chỉ khoảng hơn trăm tỷ. Đây là tiềm năng rất lớn cho nhà đầu tư nào sở hữu cổ phần chi phối ở PVM

Cần tính đúng tính đủ các lợi thế của doanh nghiệp khi thoái vốn

Với nhiều tiềm năng và lợi thế như vậy, nhiều cổ đông của PVPower mong muốn quá trình thoái vốn được diễn ra công khai minh bạch đồng thời việc định giá PVM cần tính đúng, tính đủ các lợi thế kinh doanh, lợi thế thương mại để tránh thất thoát tài sản nhà nước và doanh nghiệp.

Điểm c Khoản 18 Điều 2 Nghị định 140/2020/NĐ-CP quy định, khi xác định giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn Nhà nước tại Công ty CP thì phải xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn Nhà nước đầu tư bao gồm cả giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hàng năm).

Nghị Định 140 chỉ rõ, thời hạn thuê đất còn lại làm cơ sở tính toán giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm trong giá khởi điểm là thời gian còn lại trong chu kỳ ổn định đơn giá thuê đất 5 năm theo quy định của pháp luật đất đai. Trường hợp doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê đất nhưng hết hạn thời gian ổn định đơn giá thuê đất mà doanh nghiệp chưa ký lại hợp đồng thì thời hạn thuê đất còn lại được xác định là 5 năm.

Bà H - cổ đông PVPower - chia sẻ, theo quy định này các khu đất mà PVM (và các cty con, cty liên kết) đang quản lý và sử dụng (ví dụ 1.827,69m2 đất ở Số 8 tràng Thi - Hoàn Kiếm, 23.600 m2 đất ở đường Đào Cam Mộc - Đông Anh...) sẽ phải được tính vào để xác định giá trị doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Điểm a Khoản 19 Điều 2 Nghị định 140 quy định khi thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, phải thực hiện công bố thông tin tối thiểu 20 ngày trước khi chuyển nhượng vốn. Quy định mới này sẽ giúp cho các nhà đầu tư quan tâm có đủ thời gian để tìm hiểu, chuẩn bị về tài chính.

PVPower là doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước (phần vốn nhà nước chiếm 79,9% vốn điều lệ), như vậy về bản chất toàn bộ tài sản của PVPower (tài sản cố định, vốn đầu tư…), Nhà nước đều có quyền sở hữu tương ứng với số vốn góp 79,9%. Do vậy mọi hoạt động của PVPower và của Người đại diện vốn nhà nước tại PVPower phải tuân theo các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng vốn nhà nước.

Tinh thần xuyên suốt Luật số 69/2014/QH13 về Quản lý và Sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp là: Người đại diện vốn nhà nước có trách nhiệm nỗ lực bảo vệ tài sản nhà nước, nỗ lực mang lại lợi ích tối đa cho nhà nước, nỗ lực làm hết trách nhiệm ngăn chặn các nguy cơ gây thất thoát hay tổn hại đến vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Để hoàn thành mục tiêu: sử dụng hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, một nguyên tắc quan trọng và bắt buộc phải áp dụng, tuân thủ trong toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước là: "Công khai, minh bạch trong đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp" (Khoản 7 Điều 5 Luật 69/2014/QH13). Khi thực hiện quyền của cổ đông Nhà nước tại DN thì Cơ quan đại diện chủ sở hữu và Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải nỗ lực áp dụng các biện pháp cần thiết, kịp thời khi bán các khoản đầu tư của doanh nghiệp đảm bảo lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và nhà nước (bán cổ phần, tài sản…. buộc phải thực hiện công khai).

Mọi tài sản của PVPower (trong đó có các cổ phiếu mà PVPower sở hữu) đều được hình thành từ vốn đầu tư của Nhà nước, do vậy việc chuyển nhượng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng đến tài sản của Nhà nước đầu tư vào PVPower. Việc định đoạt các tài sản của Pvpower phải tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật về quản lý sử dụng vốn và tài sản NN để đem lại lợi ích tối đa cho PVPower và cho Nhà nước.

Ông T.H.S - một cổ đông khác - cho rằng: Nếu HĐQT của PVPower quyết định bán 19,93 triệu cổ phần PVM mà không thực hiện công khai thẩm định giá và đấu giá công khai, không công bố cụ thể thời gian thoái vốn, phương thức thoái vốn… thì có thể sẽ dẫn đến định giá thấp tài sản nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ trục lợi cá nhân và tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát vốn nhà nước và tài sản nhà nước,

Nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ các đợt thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước nói chung và PVM nói riêng nhằm phòng ngừa không để xảy ra thất thoát vốn và tài sản Nhà nước, nhất là khi PVM sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế như hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá, Nghị định 140 có rất nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung, quy định rõ ràng, cụ thể về nhiều vấn đề liên quan đến quá trình doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn (CPH, TV). Do đó, kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình CPH, TV trong giai đoạn tới diễn ra nhanh hơn, cũng như nâng cao hiệu quả của công tác CPH, TV; hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình CPH, TV.

Tin cùng chuyên mục