Giai đoạn giãn cách xã hội do dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực cho mô hình thương mại điện tử. Ảnh: St |
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường nội địa đang phát triển có thể bổ sung một phần hoặc thậm chí đối trọng với thị trường nước ngoài. Đến nay, gần 1/6 dân số Việt Nam đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu (với chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD mỗi ngày). Với tốc độ hiện tại, mỗi năm sẽ có thêm 1 triệu người Việt Nam tham gia nhóm này. Tầng lớp trung lưu mới nổi này sẽ tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ không chỉ nhiều hơn, mà còn chất lượng tốt hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực thông qua sử dụng các nguồn lực hiệu quả và đổi mới, sáng tạo hơn.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2020 - tháng đầu tiên nền kinh tế ở trạng thái “bình thường mới”, ước đạt 384,8 nghìn tỷ đồng, tăng 26,9% so với tháng trước. Nhóm nghiên cứu vĩ mô của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, doanh số bán lẻ tháng 5 bật tăng mạnh gần 27% so với tháng 4 không bất ngờ khi các hoạt động kinh tế được mở cửa trở lại sau 3 tuần giãn cách xã hội. Một phần lực cầu bị “nén” trong tháng 4 đã được giải tỏa, qua đó giúp doanh số bán lẻ hồi phục.
Tuy vậy, theo BVSC, vẫn còn một khoảng cách để cầu tiêu dùng trong nước hồi phục ngang bằng so với mức trước khi có dịch bệnh, chứ chưa nói đến việc lấy lại đà tăng trưởng 10% như trong năm 2019. Sau khi một phần nhu cầu đã được “giải nén” trong tháng 5, BVSC cho rằng doanh số bán lẻ tháng 6 sẽ khó đạt được mức tăng trưởng mạnh, có thể sẽ chỉ tăng dưới 5%. Dự báo doanh số bán lẻ năm 2020 chỉ đạt mức tăng 3 - 5% (thấp hơn nhiều so với mức tăng 8 - 10% trong các năm gần đây).
Nhiều ý kiến nhận định, thị trường nội địa được xem là “cứu tinh” cho nhiều doanh nghiệp, cho nền kinh tế, nên rất cần các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước đồng thời với hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bán lẻ. Theo WB, hành vi của người tiêu dùng sẽ thay đổi; một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ cần hỗ trợ để điều chỉnh mô hình kinh doanh trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi.
Cho rằng giá thuê mặt bằng kinh doanh lớn đẩy giá hàng hóa lên cao, hạn chế sức mua, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam khuyến nghị Chính phủ có chính sách giảm thuế cho chủ đầu tư có mặt bằng cho thuê, từ đó giúp chủ đầu tư có thể giảm giá thuê cho doanh nghiệp; miễn, giảm chi phí cho thuê mặt bằng trong khu công nghiệp, khu chế xuất để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất. Đồng thời, miễn giảm thuế nhập khẩu hoặc hoàn thuế cho các nguyên vật liệu tiêu dùng, bù đắp thiếu hụt trong thời kỳ Covid-19; hỗ trợ về giáo dục đào tạo cho doanh nghiệp tiếp cận phương thức mới trong kinh doanh; hỗ trợ các nhà bán lẻ để kích cầu tiêu dùng trong nước…
Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cũng phải chủ động nắm bắt, chuyển hướng kinh doanh, đặc biệt là chuyển đổi số, kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử. Chia sẻ tại cuộc Tọa đàm "Chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến cho nền kinh tế" diễn ra ngày 3/6/2020, ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc điều hành Fado miền Bắc chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam đã bán nhiều sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài, nhưng không có bóng dáng trên các nền tảng trong nước. Tác động từ Covid-19 có thể tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển kênh bán hàng tại thị trường nội địa thông qua các nền tảng thương mại điện tử trong nước.
Còn đối với doanh nghiệp chưa từng ứng dụng thương mại điện tử, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận định, dù chậm nhưng doanh nghiệp vẫn cần phải bắt đầu ngay từ chuẩn bị nhân lực, hạ tầng..., nếu không sẽ không thể bắt kịp xu hướng mới - tiêu dùng thông qua các nền tảng thương mại điện tử, thay vì mua sắm trực tiếp - hình thành sau thời gian ứng phó với dịch Covid-19.