Tìm phương án vận hành Nhà máy Nước mặt Bắc Ninh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Nhà máy nước mặt TP. Bắc Ninh (giai đoạn 1) được đầu tư theo hình thức BT, bàn giao từ năm 2015. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đang xem xét phương án phù hợp để tìm đơn vị vận hành, quản lý Nhà máy, đồng thời mở rộng, nâng công suất Nhà máy, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân tỉnh Bắc Ninh.
UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất 2 phương án quản lý tài sản Giai
đoạn 1 - Nhà máy Nước mặt TP. Bắc Ninh và đầu tư các giai đoạn còn lại của Nhà
máy. Ảnh: Huy Hùng
UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất 2 phương án quản lý tài sản Giai đoạn 1 - Nhà máy Nước mặt TP. Bắc Ninh và đầu tư các giai đoạn còn lại của Nhà máy. Ảnh: Huy Hùng

Đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh Bắc Ninh, được khởi công xây dựng từ ngày 30/1/2013. Công ty TNHH Long Phương là nhà đầu tư. Nhà máy có công suất giai đoạn 1 là 25.000 m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư là 470 tỷ đồng. Dự án được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng giai đoạn 1 từ tháng 9/2015. UBND tỉnh Bắc Ninh đã tạm giao cho Công ty CP Nước sạch Bắc Ninh quản lý, vận hành Nhà máy, cấp nước từ năm 2017 đến nay.

UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, theo quy hoạch cấp nước tỉnh Bắc Ninh, Nhà máy Nước mặt TP. Bắc Ninh đến năm 2022 đạt công suất 100.000 m3/ngày đêm; đến năm 2035 đạt công suất 200.000 m3/ngày đêm. Việc đầu tư nâng công suất Nhà máy được thực hiện trong khuôn viên Nhà máy và có sử dụng chung một số công trình đầu mối đã được đầu tư tại Dự án BT (tài sản công).

Cũng theo UBND tỉnh Bắc Ninh, do Dự án BT được phê duyệt chưa xác định đơn vị thụ hưởng (quản lý, vận hành) nên việc xử lý theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo một trong các hình thức: điều chuyển, bán, thanh lý, giao doanh nghiệp quản lý sử dụng, hình thức khác theo quy định của pháp luật. Sau khi phân tích các yếu tố, tỉnh Bắc Ninh cho rằng không đề xuất điều chuyển, bán, thanh lý và giao doanh nghiệp quản lý sử dụng được.

UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất 2 phương án quản lý tài sản Giai đoạn 1 - Nhà máy Nước mặt TP. Bắc Ninh và đầu tư các giai đoạn còn lại của Nhà máy theo quy hoạch. Phương án 1 là tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và ký hợp đồng O&M (kinh doanh - quản lý) theo quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP. Doanh nghiệp được lựa chọn quản lý, kinh doanh toàn bộ tài sản Nhà máy trong một thời gian nhất định, hàng năm phải nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo kết quả lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời được thực hiện đầu tư các giai đoạn còn lại của Nhà máy theo quy hoạch. Phương án 2 là cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng kèm điều kiện đơn vị thuê thực hiện đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất. Đơn vị thuê được khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giai đoạn 1 trong thời hạn thuê và được thực hiện đầu tư các giai đoạn còn lại của Nhà máy theo quy hoạch.

Theo một chuyên gia về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Nhà máy Nước mặt TP. Bắc Ninh đầu tư theo hình thức BT, sau khi bàn giao sẽ là tài sản công. Trong trường hợp này, Tỉnh lựa chọn đơn vị vừa quản lý, vận hành Nhà máy sẵn có, vừa thực hiện đầu tư, mở rộng nâng công suất Nhà máy theo quy hoạch. Vì thế, phương án tổ chức lựa chọn nhà đầu tư quản lý và kinh doanh toàn bộ tài sản Nhà máy theo hợp đồng O&M chưa phù hợp, vì hợp đồng O&M không có cấu phần xây dựng. Đối với phương án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng kết hợp với đầu tư các giai đoạn còn lại, cần cân nhắc sự phù hợp của phương án với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, việc cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng được áp dụng đối với tài sản hiện có và không thuộc tài sản được quy định tại Khoản 2 Điều 82 và Khoản 2 Điều 84 (tài sản kết cấu hạ tầng hiện có đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng).

Chuyên gia này cho rằng, việc xem xét thực hiện quản lý, vận hành và nâng công suất Nhà máy theo hình thức xã hội hóa là có cơ sở. Trường hợp thực hiện theo phương án này, trình tự triển khai Dự án tuân thủ quy định của Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và các pháp luật có liên quan.

Được biết, ngày 23/7/2020, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định thành lập Tổ công tác lập đề xuất phương án quản lý, vận hành và mở rộng nâng công suất Nhà máy Nước mặt TP. Bắc Ninh. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Xuân Đoàn là Tổ trưởng. Tổ có nhiệm vụ lập đề xuất phương án quản lý, vận hành và mở rộng nâng công suất Nhà máy đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành; xây dựng tiêu chí đánh giá lựa chọn nhà đầu tư phục vụ công tác lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành và mở rộng nâng công suất Nhà máy. Sau khi Giám đốc Sở Xây dựng thống nhất phương án quản lý, vận hành và mở rộng nâng công suất Nhà máy với Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án.

Tin cùng chuyên mục