Ngày 23/7, đại diện Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, đơn vị này tiếp tục kiểm tra hàng loạt cửa hàng của Công ty Cổ phần Con Cưng (Con Cưng) trên địa bàn thành phố.
Theo đó, tất cả 24 đội quản lý thị trường ở các quận, huyện cùng 5 đội quản lý thị trường của Chi Cục đã kiểm tra thêm 67 cửa hàng của Con Cưng. Nâng tổng số cửa hàng đã được kiểm tra trong hai ngày 22 và 23/7 là 70 cửa hàng.
Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM đi kiểm tra các cửa hàng của hệ thống Con Cưng.
“Chúng tôi vẫn chưa có số liệu chính thức do lượng hàng hóa kiểm tra tại Con Cưng là rất lớn nên cần có thời gian kiểm đếm, phân loại, kiểm tra hồ sơ, chứng từ và xác định các sai phạm”, ông Bách nói.
Vào ngày 22/7, Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM cũng đã phối hợp với Tổ công tác 334 Bộ Công Thương kiểm tra 3 cửa hàng khác của Con Cưng tại quận 1, quận 3 và quận 6.
Kết quả ban đầu cho thấy, hàng quần áo dành cho bé tại tại các cửa hàng bị kiểm tra có in nhãn hiệu CF cùng xuất xứ “Made in Thailand” bị phát hiện không có gắn tem, mác nguồn gốc, xuất xứ theo đúng quy định.
Nhãn mác không được may liền vào sản phẩm như thông thường mà treo rời vào móc, dễ dàng tháo gỡ, không liên quan gì đến sản phẩm. Không chỉ quần áo, các mặt hàng mỹ phẩm bày bán tại cửa hàng cũng bị phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường.
Nổi bật nhất là sản phẩm kem massage bụng TitiOne. Trên sản phẩm có dán tờ tem nhỏ in rõ "Sản xuất bởi: Công ty TNHH MỸ PHẨM TITIONE”, nhưng khi bóc lớp giấy này ra, công ty sản xuất được in trực tiếp trên sản phẩm lại là Công ty TNHH G&C.
Lực lượng chức năng phát hiện nhiều sai phạm tại hệ thống cửa hàng của Con Cưng.
“Về nguyên tắc, sản phẩm nhập khẩu phải có gắn tem nhãn phụ thể hiện rõ ràng xuất xứ, nguồn gốc, nơi sản xuất, thành phần... dịch trung thành từ tem nhãn gốc. Nhưng hầu hết các sản phẩm được nhập từ Thái Lan tại cửa hàng chỉ in thông tin mờ nhạt trên sản phẩm và dễ dàng bị xóa đi chỉ sau vài lần giặt. Trong khi đó, mác lại được treo bên ngoài móc, có thể dễ dàng thay đổi, thể hiện đơn vị cung cấp không liên quan trách nhiệm đối với sản phẩm, không nêu rõ được nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm”, ông Hùng nói.
Ông Trần Hùng, Cục Phó Cục Quản lý thị trường, Tổ trưởng Tổ công tác 334 Bộ Công Thương chỉ ra các lỗi vi phạm cho nhân viên của Con Cưng thấy.
Được biết, Con Cưng là doanh nghiệp chuyên kinh doanh các sản phẩm cho trẻ em, phụ nữ có thai với các sản phẩm chính như: tã, sữa, thực phẩm, thời trang, đồ dùng cho bé, đồ chơi. Hiện tại, Con Cưng có 311 cửa hàng trên toàn quốc, trong đó TPHCM có 105 cửa hàng. Các thị trường lớn của Con Cưng phải kể đến sau TPHCM là Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang.