Nhà thầu thi công cần tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế được phê duyệt và quy chuẩn kỹ thuật kèm theo để giảm thiểu tranh chấp không đáng có. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Tại một cuộc tọa đàm mới đây về những tranh chấp thường gặp liên quan đến chất lượng xây dựng công trình, ông Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC), cho biết, thống kê của VIAC ghi nhận tỷ lệ tranh chấp xây dựng chiếm khoảng 15% tổng số vụ tranh chấp được giải quyết hàng năm tại VIAC. Đáng chú ý, trong các tranh chấp có tính chất phức tạp như tranh chấp về chất lượng bê tông thương phẩm, kỹ thuật thi công của nhà thầu khiến chất lượng công trình không đảm bảo, gây ra sự cố…, yêu cầu khởi kiện hay kiện lại liên quan tới chất lượng công trình luôn luôn xuất hiện.
Ví dụ, sau khi hết thời hạn bảo hành công trình mới sử dụng đúng tải theo thiết kế và xảy ra sự cố nứt, việc xác định trách nhiệm thuộc về ai cũng có thể xảy ra tranh chấp. Với trường hợp này, cần phải có khảo sát và đánh giá sự cố (kiểm định hoặc giám định theo quy định nếu cần) để xác định rõ nguyên nhân gây ra sự cố nứt, lỗi do thiết kế, lỗi do vật liệu sử dụng hay do thi công, hay lỗi do sử dụng và bảo trì công trình… Từ đó, mới xác định được trách nhiệm của nhà thầu hay của bên khác.
Ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) - chia sẻ, những vi phạm về chất lượng thể hiện ở nhiều tình huống rất khác nhau: các khuyết tật, hư hỏng, sự cố công trình, công năng không đáp ứng hoặc các dấu hiệu ảnh hưởng tới độ bền lâu của công trình… Những vi phạm này có thể xảy ra trong suốt các giai đoạn của một dự án xây dựng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng, khai thác công trình và đều có thể dẫn đến các tranh chấp.
Theo ông Trần Chủng, để xử lý tranh chấp hiệu quả, việc xác định nguyên nhân vi phạm có thể được tiến hành một cách khoa học, minh bạch bởi các đơn vị kiểm định có năng lực phù hợp (bên thứ ba độc lập). Kết quả kiểm định sẽ xác định được mức độ vi phạm về chất lượng, từ đó có thể tính toán được thiệt hại để các bên liên quan tự thương thảo đền bù thông qua thỏa thuận, hòa giải của trọng tài và nếu không giải quyết được tự chuyển qua cơ quan tố tụng thực hiện.
Ông Chủng khuyến nghị một số vấn đề chủ đầu tư cần lưu ý để tránh tranh chấp về chất lượng công trình. Thứ nhất, cần tuân thủ nguyên tắc lựa chọn nhà thầu qua đấu thầu. Điều kiện quan trọng bảo đảm chất lượng công trình là năng lực của nhà thầu biểu hiện rất cụ thể (lượng hóa được) là con người, thiết bị, năng lực tổ chức thực hiện. Chủ đầu tư đừng quá coi trọng về truyền thống hay kinh nghiệm. Rất nhiều nhà thầu còn non trẻ nhưng năng lực về con người, thiết bị và đặc biệt là năng lực quản trị quyết định lớn tới chất lượng công trình. Chủ đầu tư cũng cần chú ý tổ chức kiểm soát sau đấu thầu như: năng lực (con người, thiết bị) có phù hợp với hồ sơ dự thầu không; quy trình kiểm soát vật liệu đầu vào của nhà thầu; quy trình thi công từng hạng mục... Kỹ năng quản trị và mức độ minh bạch sẽ giảm thiểu các tranh chấp về chất lượng công trình trong tương lai.
Muốn tránh các tranh chấp về chất lượng công trình, ông Chủng nhấn mạnh, chủ đầu tư hãy “kiểm soát tốt ngay từ đầu”. Về phía nhà thầu thi công, để giảm thiểu tranh chấp không đáng có, lời khuyên là phải đặc biệt quan tâm đến hồ sơ thiết kế được phê duyệt, quy chuẩn kỹ thuật kèm theo hồ sơ thiết kế đó, thi công tuân thủ đúng, đừng chịu sức ép của chủ đầu tư như ép sử dụng vật liệu, ép rút ngắn thời gian…