Trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế và thẩm định dự án đầu tư, cần xét đến tính khả thi về nguồn cung vật liệu cho dự án

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, các công trình, dự án đang triển khai thi công có nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp mặt bằng rất lớn. Tuy nhiên, các điểm mỏ quy hoạch khoáng sản tại một số địa phương để làm vật liệu san lấp chưa có kế hoạch cấp quyền khai thác theo quy định. Từ đó, gây khó khăn trong công tác quản lý về khai thác, sử dụng đất san lấp phục vụ nhu cầu đầu tư xây dựng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công các dự án.

Ông Hồ Sỹ Chánh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Tiến Dung Kon Tum

Đối với trường hợp doanh nghiệp xin cấp mỏ vật liệu, đất đắp đưa vào xây dựng, thì thủ tục thực hiện phải trải qua nhiều bước theo quy định của Luật Khoáng sản và Thông tư số 01/2016/TT-BTNMT, đồng thời tuân thủ pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng. Theo đó, trình tự các bước bao gồm lập hồ sơ thăm dò, khai thác khoáng sản; lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp; báo cáo kết quả thăm dò và trình phê duyệt trữ lượng khoáng sản; báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Để hoàn thành thủ tục, doanh nghiệp thường mất khá nhiều thời gian, thậm chí đến vài năm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng thông thường này tại các địa phương mang tính liên tục. Tình trạng thiếu mỏ đất được cấp phép tại địa phương là nguyên nhân đình trệ, kéo dài tiến độ thực hiện dự án, công trình xây dựng, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công, cũng như hiệu quả kinh doanh của nhà thầu.

Nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xây dựng, theo tôi, trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế và thẩm định dự án đầu tư, các đơn vị chức năng cần xét đến tính khả thi về nguồn cung vật liệu cho dự án. Đồng thời, các sở, ngành chức năng cần đẩy nhanh tiến độ đưa các mỏ đất đã được quy hoạch vào đấu giá và lập thủ tục cấp phép để phục vụ các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục