Trung Đông, Châu Phi: Mảnh đất mới cho xuất khẩu vật liệu xây dựng

(BĐT) - Xuất khẩu vật liệu xây dựng là một hướng đi đúng và cần thiết nhằm giúp giảm áp lực tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, do việc tiếp cận thị trường quốc tế hiện còn gặp rất nhiều khó khăn nên không ít mảnh đất mới vẫn bị bỏ ngỏ.
Lượng vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông và Châu Phi ngày càng tang. Ảnh: Lê Tiên
Lượng vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông và Châu Phi ngày càng tang. Ảnh: Lê Tiên

Thị trường tiềm năng

Ngành VLXD của Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu khá lớn, trong đó nổi bật nhất là những sản phẩm sắt, thép, đá ốp lát, gạch gốm ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng và các loại phụ kiện phòng tắm. Những năm qua, các sản phẩm trên đã được nhiều bạn hàng trên thế giới tin dùng, đặc biệt là các thị trường Trung Đông và Châu Phi.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), hiện các nước ở Trung Đông được đánh giá là thị trường lớn của ngành công nghiệp xây dựng thế giới. Dự báo, các dự án xây dựng hạ tầng ở Trung Đông sẽ tăng 5,4% trong 5 năm tới, cao hơn mức tăng toàn cầu dự kiến là 5,2% một năm. Vì vậy, các dự án xây dựng mới sẽ mang đến nhiều cơ hội cho công nghiệp sản xuất và xuất khẩu VLXD của Việt Nam.

Ngoài Trung Đông, Châu Phi hiện cũng là thị trường tiềm năng bởi lục địa này đang có nhu cầu lớn, dễ tính, có tiềm lực kinh tế. Đặc biệt, Châu Phi cũng có nhiều dự án lớn đang và sẽ triển khai trong thời gian tới, cần tiêu thụ rất nhiều VLXD. Nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này cho biết, dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng lượng VLXD của các DN Việt Nam xuất khẩu sang 2 khu vực thị trường này đang ngày càng tăng.

ITPC cho rằng, thị trường quốc tế, nhất là Trung Đông và Châu Phi rất tiềm năng, nhưng do công tác xuất nhập khẩu chưa có sự chỉ đạo thống nhất, cộng thêm những chính sách vĩ mô cho các DN xuất khẩu chưa có nên chưa phát huy hết lợi thế. Ngoài ra, cũng cần nhìn thẳng vào sự thật, đã đến lúc các DN cần tăng cường đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại để sản xuất các loại sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp với từng thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, năm 2015 là năm đánh dấu sự phục hồi của nền kinh tế nước nhà, với GDP đạt trên 6,5%, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế, thị trường bất động sản sôi động trở lại, kéo theo sự đi lên của thị trường VLXD. Với đà này, năm 2016 dự báo thị trường VLXD, nhất là thị trường xuất khẩu sẽ có nhiều đột phá. 

Không ít gian nan

Mặc dù đã có nhiều tín hiệu khả quan trong xuất khẩu VLXD, nhưng theo đánh giá của Hiệp hội Xây dựng Việt Nam, việc xuất khẩu của các đơn vị trong ngành còn nhỏ lẻ, thiếu chiến lược xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài. Mặt khác, khi tham gia xuất khẩu vào một số thị trường, DN Việt Nam có hiện tượng tranh mua, tranh bán nên dễ bị DN nước ngoài lợi dụng, ép giá hoặc đưa ra các điều kiện bất lợi trong hợp đồng.

Qua khảo sát sơ bộ của phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều DN trong lĩnh vực VLXD cho rằng, đây chính là giai đoạn khởi đầu gian nan cho việc xuất khẩu clinker cũng như xi măng, vì sản phẩm VLXD có trọng lượng lớn, giá vận tải cao, cộng thêm thị trường xuất khẩu lại xa nên khá tốn kém. Trong khi đó, các DN chưa gắn kết với nhau trong cung cấp thông tin về thị trường và các đối tác nên việc hợp tác giữa các DN Việt Nam và các DN nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phản ánh đúng tiềm năng và mong muốn của mỗi bên.

“Hiện nay, trong đàm phán, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, thông thường họ yêu cầu DN Việt Nam phải giữ giá ổn định trong thời gian ít nhất là 6 tháng đến 1 năm. Nhưng với tình trạng giá điện, giá than liên tục tăng thì việc giữ giá ổn định là không khả thi. Vì vậy, đề nghị Nhà nước cần điều chỉnh giá nguyên liệu đầu vào, giá điện, giá than hợp lý để các DN trong nước dựa trên cơ sở đó quyết định giá xuất khẩu ổn định”, các DN kiến nghị.

Theo ITPC, trong giai đoạn tới, các DN Việt Nam phải đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới, tạo ra thị trường bên ngoài để hỗ trợ thị trường trong nước. Có như vậy mới giữ vững thị trường trong nước, tạo điều kiện để ngành công nghiệp VLXD phát triển bền vững. Trong xu thế hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, nhất là Việt Nam đã tham gia và ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do, sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt. Để có thể thâm nhập thị trường thế giới, các nhà sản xuất, kinh doanh VLXD trong nước cần phải có sự hợp tác rộng rãi, chặt chẽ hơn nữa với đối tác nội địa và nước ngoài, tạo dựng được thương hiệu có uy tín xuất khẩu lâu dài, ổn định.

Tin cùng chuyên mục