Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 106 tỷ USD. Ảnh: Internet |
Tăng hàng rào nhập khẩu
Bà Phạm Chi Lan cho rằng xu hướng tăng hàng rào xuất khẩu của Trung Quốc với nhiều hàng hóa Việt Nam trong thời gian gần đây nên được nhìn nhận từ góc độ khác. Theo đó, đây không chỉ là việc “gây khó” để hạn chế hàng hóa Việt Nam mà còn là sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng của nền kinh tế này. “Trung Quốc không còn là một nền kinh tế giá rẻ, không còn là thị trường dễ tính. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhìn nhận rõ ràng, nâng cao chất lượng hàng hóa để cải thiện tính cạnh tranh và tăng khả năng thâm nhập vào thị trường đông dân đó” bà Chi Lan nói. Bàn Lan cảnh báo, Trung Quốc vẫn không nâng tiêu chuẩn hàng hóa từ nước họ xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Do đó, cần cảnh giác để tránh luồng đầu tư và xuất khẩu hàng hóa kém chất lượng từ Trung Quốc sang nước ta.
Xem xét vấn đề này trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang diễn ra, ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng ban chính sách vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, còn quá sớm để nhận định là Việt Nam ứng phó tốt với cuộc chiến đó. Trong khi đó, theo ông Dương, việc Trung Quốc áp dụng hàng rào cao hơn với hàng hóa Việt Nam là đã được dự báo từ trước.
“Câu hỏi đặt ra là Việt Nam phải ứng xử cách nào, làm sao để tăng chất lượng hàng hóa. Chúng ta nên xem đó là cơ hội để cải thiện chất lượng hàng hóa. Điều này đã được đặt ra từ 10 năm trước đây khi chúng ta kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản nhưng lại phàn nàn là họ khó tính và ngại ngần. Nếu chúng ta chuẩn bị từ những năm trước đây thì dù giờ đây Trung Quốc có nâng hàng rào chất lượng, chúng ta cũng không ngại ngần. Đây là bài học cho cả sau này.”, ông Dương nhấn mạnh.
Xuất khẩu hơn 41 tỷ USD sang Trung Quốc
Thông tin mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 41,268 tỷ USD tăng 5,864 tỷ USD so với năm 2017, tương ứng mức tăng 16,6%. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ quốc gia láng giềng này là 65,438 tỷ USD tăng 6,846 tỷ USD, tương đương gần 11,7%.
Như vậy, tổng quy mô kim ngạch thương mại của 2 nước đạt 106,706 tỷ USD, tăng 12,71 tỷ USD so với một năm trước đó. Riêng Trung Quốc chiếm đến 22,23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nhập khẩu cả nước trong năm ngoái.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, quan hệ ngoại thương giữa Việt Nam và một đối tác đạt con số 100 tỷ USD. Tuy nhiên, mức thâm hụt thương mại của nước ta với Trung Quốc vẫn bị nới rộng thêm khoảng 1 tỷ USD so với năm 2017 và đang duy trì ở mức rất cao hơn 24 tỷ USD. Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu đứng thứ hai sau Hoa Kỳ.
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện. Cụ thể, năm 2018, điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta sang thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt 9,375 tỷ USD, tăng gần 31,1% so với 1 năm trước đó.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 8,364 tỷ USD là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ hai và có con số tăng thêm 1,504 tỷ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng 21,9%.
Các nhóm hàng xuất khẩu lớn khác sang Trung Quốc với kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên là: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 2,801 tỷ USD; rau quả 2,784 tỷ USD; xơ, sợi dệt các loại 2,216 tỷ USD; dệt may 1,541 tỷ USD; giày dép 1,492 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 1,072 tỷ USD.
Về nhập khẩu, dữ liệu của Tổng cục Hải quan ghi nhận có tới 14 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên trong năm 2018, tăng tới 4 nhóm so với một năm trước đó.
Trong đó, xăng dầu với kim ngạch hơn 1 tỷ USD ( năm 2017 đạt 518 triệu USD); chất dẻo nguyên liệu gần 1,11 tỷ USD (năm 2017 mới đạt 918 triệu USD); xơ, sợi đạt 1,234 tỷ USD (năm 2017 đạt 878 triệu USD); kim loại thường đạt 1,331 tỷ USD (năm 2017 đạt 985 triệu USD).
Ngoài 4 nhóm hàng mới kể trên, Trung Quốc còn là thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam liên quan đến máy móc, thiết bị; hàng điện tử; vải và nguyên phụ liệu dệt may, da giày…
Cụ thể, máy móc thiết bị là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc với kim ngạch đạt 12,025 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2017.
Trong khi đó, điện thoại và linh kiện đứng thứ hai với kim ngạch 8,58 tỷ USD, nhưng tốc độ tăng trưởng bị sụt giảm 1,9%. Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 7,83 tỷ USD, tăng 10,6% có quy mô kim ngạch lớn thứ ba…
Với trị giá bình quân đạt gần 9 tỷ USD/tháng vào năm ngoái và cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu đang duy trì tốc độ tăng trưởng cao hai con số trong nhiều năm gần đây, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc có thêm nhiều dấu mốc mới trong năm 2019.