Ảnh minh họa |
Liên quan đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư 2 tuyến vận tải vận khách công cộng bằng đường thủy (gọi tắt là buýt sông) trên địa bàn thành phố theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOO), Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa chỉ đạo các Sở ngành liên quan khẩn trương hỗ trợ chủ đầu tư hoàn thành nhanh các thủ tục đầu tư hai tuyến buýt sông này để đưa vào hoạt động trong tháng 6/2017, nhằm chia sẻ và giải quyết áp lực giao thông đường bộ cho thành phố.
UBND Tp. Hồ Chí Minh cơ bản thống nhất với đề xuất của chủ đầu tư về giá vé trên toàn tuyến. Tuy nhiên, công ty cần nghiên cứu thêm về giá vé hợp lý theo lộ trình và theo thực tế để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ; giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận liên quan nhanh chóng hoàn tất thủ tục, bàn giao mặt bằng các vị trí bến cho nhà đầu tư, trước ngày 10/4/2017. Đồng thời, giao UBND các quận liên quan trình bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất đối với các bến theo đúng quy định, trước ngày 30/4/2017.
Về khu vực bến Bình Triệu của dự án tại số T.21, khu phố 3, đường Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp UBND quận Thủ Đức hoàn tất thủ tục thu hồi, bàn giao khu đất cho Công ty TNHH Thường Nhật để đảm bảo tiến độ dự án.
Còn với khu vực Bến Vườn Kiểng thuộc bến Bạch Đằng (quận 1) lãnh đạo của UBND thành phố thống nhất bàn giao cho chủ đầu tư để tổ chức quản lý, khai thác vận hành dự án.
Công ty TNHH Thường Nhật phải đảm bảo giữ nguyên hiện trạng khu vực Bến Vườn Kiểng theo đúng quy hoạch được duyệt (không được xây dựng mở rộng diện tích, cơi nới kiên cố), chỉ cải tạo, chỉnh trang, sửa chữa nhỏ để đảm bảo cảnh quan chung, an ninh trật tự đô thị và an toàn khai thác vận hành, đồng thời có các giải pháp chống ùn tắc giao thông khu vực Công viên Bến Bạch Đằng, đường Tôn Đức Thắng
Ngoài ra, để phát huy hiệu quả dự án, kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông khác, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng; UBND thành phố chấp thuận bổ sung 3 vị trí bến (Bến tại Khu đô thị Thủ Thiêm, Bến tại khu vực phường Trường Thọ, quận Thủ Đức và riêng Bến tại khu vực Tân Cảng có kết hợp đầu tư xây dựng nhà đậu xe) và bổ sung thêm tuyến số 3 (từ Bến Bạch Đằng đi Mũi Đèn Đỏ, quận 7) và tuyến số 4 (từ Bến Bạch Đằng đi Phú Mỹ Hưng, quận 7).
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải thành trình UBND thành phố phố dự án đầu tư hai tuyến buýt sông theo hợp đồng BOO. Cụ thể, dự án có 2 hướng tuyến, trong đó tuyến số 1 (Bạch Đằng – Linh Đông, có 7 bến, đi qua địa bàn quận 1, Bình Thạnh, quận 2 và Thủ Đức) dài 10,8km có lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới và ngược lại.
Tuyến số 2 (Bạch Đằng – Lò Gốm, có 7 bến, đi qua địa bàn các quận 1, 4, 5, 6, 8) dài 10,3km, từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ đến khu vực bến Lò Gồm và ngược lại. Dự kiến cho đến năm 2020, hai tuyến buýt sông sẽ có 10 phương tiện, sức chứa sẽ 60 chỗ.
Như vậy, khi đưa vào khai thác, 2 tuyến buýt sông nói trên không những tham gia vận tải hành khách, giảm áp lực cho giao thông đường bộ mà còn phát huy thế mạnh sông nước, đem lại nhiều giá trị dịch vụ, du lịch cho Tp. Hồ Chí Minh.