Ảnh Internet |
Kết quả, có 7 cá nhân trúng giá mua toàn bộ 14 triệu CP của CC1 với mức giá bình quân 14.200 đồng/CP, cao hơn 3.900 đồng so với giá khởi điểm. Với việc chào bán này, Bộ Xây dựng, cơ quan chủ quản CC1 thu về 200 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của CC1 sẽ ở mức 1.100 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước (đại diện là Bộ Xây dựng) nắm giữ 40% - tương đương 44 triệu CP. 45% vốn điều lệ, tương đương 49,5 triệu CP sẽ được chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, còn lại bán ưu đãi cho người lao động.
Trước IPO, danh sách 2 cổ đông chiến lược được lựa chọn đã được hé lộ, bao gồm tên tuổi “ông lớn” được nhiều người biết đến là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc (đăng ký mua 41,8 triệu CP, tương đương 38% vốn điều lệ). Tổ chức còn lại là Công ty CP TOP American Việt Nam, đăng ký mua 7,7 triệu CP, tương đương 7% vốn điều lệ. Như vậy, Tuấn Lộc sẽ trở thành cổ đông lớn thứ 2 nắm giữ CP CC1, sau cổ đông Nhà nước. Trong quý III/2016, Bộ Xây dựng sẽ chuyển quyền sở hữu cổ phần CC1 về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Tại thời điểm cuối năm 2015, vốn điều lệ của CC1 vẫn ở mức 518 tỷ đồng. Nhờ khối lượng các quỹ dồi dào, vốn chủ sở hữu của CC1 lên tới 2.214 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng như các doanh nghiệp xây lắp khác, CC1 sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao. Tỷ lệ Nợ/Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này lên tới 3,73 lần. Riêng nợ vay ngắn và dài hạn của CC1 đã đạt con số 5.087 tỷ đồng.
Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, mặc dù làm ăn có lãi, bảo toàn được vốn, CC1 vẫn vướng phải những khoản phải thu quá hạn do quản lý nợ chưa chặt chẽ. Theo tính toán của cơ quan này, tính đến cuối năm 2014, CC1 có tới 474 tỷ đồng phải thu quá hạn và 66 tỷ đồng nợ khó đòi. Căn cứ báo cáo tài chính của CC1, công ty này mới chỉ trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 15,4 tỷ đồng tại cùng thời điểm. Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, CC1 bảo lãnh cho các nhà thầu vay vốn thi công nhưng không có tài sản bảo đảm, phải nộp phạt 1,3 tỷ đồng do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 8 không thanh toán được nợ cho ngân hàng.
Năm 2015, CC1 lãi ròng 142 tỷ đồng, giảm gần 40 tỷ đồng so với năm 2014. Với kết quả này, biên lãi ròng của CC1 chỉ ở mức 2,5% - là con số tương đối khiêm tốn. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao khiến Công ty phải gánh tới 376 tỷ đồng chi phí lãi vay trong năm 2015. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của CC1 tương đối “mỏng” so với doanh thu gần 5.600 tỷ đồng.