Từng bước thực hiện khoán xe công

Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 vừa được Quốc hội thông qua yêu cầu năm 2016 hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về nội dung này.
Từng bước thực hiện khoán xe công

Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 vừa được Quốc hội thông qua yêu cầu năm 2016 hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về nội dung này.

IMG

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội

Thưa ông, việc quản lý, sử dụng xe công hiện nay được thực hiện bằng văn bản quy phạm pháp luật nào?

Không phải bây giờ, khi mà Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, chúng ta mới đặt ra vấn đề quản lý, sử dụng xe công hợp lý, hiệu quả, mà chính sách về quản lý, sử dụng xe ô tô công đã được quy định từ trước khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 được ban hành. 

Cụ thể là Chỉ thị số 293-TTg ngày 5/9/1975 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân phối, sử dụng và quản lý ô tô con trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước và các đoàn thể. Gần đây là Nghị định số 14/2008/NĐ-CP về quản lý tài sản nhà nước; Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước; Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg. Theo đó, xe ô tô công có 3 loại, gồm: xe phục vụ chức danh được sử dụng phục vụ công tác của chức danh có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên; xe phục vụ công tác chung được sử dụng để phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị có lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên khi đi công tác; xe ô tô chuyên dùng được sử dụng cho các nhiệm vụ chuyên dùng đặc thù (loại xe này phải được cấp có thẩm quyền thỏa thuận về số lượng, chủng loại).

Quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, trong đó có xe ô tô công, được luật hóa theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2009). Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải mua sắm, sử dụng tài sản nhà nước đúng tiêu chuẩn, định mức, sử dụng đúng mục đích. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý; chấp hành quy định về tiêu chuẩn, định mức quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý tài sản nhà nước, trình cấp có thẩm ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, trong đó có xe ô tô công; hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. 

IMG

Nước ta có gần 40.000 ô tô công, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Tiên Giang

Văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, trong đó có xe công, có thể nói đã khá đồng bộ. Vậy thực tế về quản lý, sử dụng xe công như thế nào, thưa ông?

Về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện nghiêm túc; công tác quản lý, sử dụng ô tô công đã dần đi vào nề nếp, tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời, đáp ứng yêu cầu hoạt động của cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. 

Tuy nhiên, số lượng xe ô tô công của nước ta khá lớn (gần 40.000 ô tô công, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang nhân dân, doanh nghiệp nhà nước); vẫn còn hiện tượng mua xe vượt tiêu chuẩn, định mức; việc điều chuyển xe ô tô giữa các đơn vị không đúng thẩm quyền quy định; việc thỏa thuận, mua sắm xe chuyên dùng chưa được chặt chẽ; tiêu chuẩn định mức quy định chưa phù hợp với một số cơ quan, đơn vị; việc mua sắm, thanh lý xe phức tạp, tốn kém thời gian và chi phí.

Theo tôi được biết, chi phí cho việc sử dụng xe khá lớn trong điều kiện ngân sách còn khó khăn (khoảng 320 triệu đồng/xe/năm); quy định về thời gian, số km sử dụng cũng chưa phù hợp với thực tế; quy định về khoán kinh phí xe ô tô hầu như không được áp dụng; việc sử dụng xe ô tô vào việc riêng, sử dụng xe sai đối tượng, sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh không đủ tiêu chuẩn định mức vẫn diễn ra...

Chính vì vậy, Quốc hội đã đưa nội dung khoán xe công đối với một số chức danh vào Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Vậy, sẽ khoán xe công đối với chức danh nào, thưa ông?

Trước đây, khoán xe công cũng đã được Chính phủ thực hiện, nhưng hầu như không ai đang đi xe công lại tự nhận khoán, trừ một trường hợp đó là ông Trần Quốc Thuận (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội). Tuy nhiên, hình như ông Trần Quốc Thuận cũng chỉ nhận khoán đâu được khoảng một tháng gì đó, sau đó lại sử dụng xe công theo đúng tiêu chuẩn, định mức.

Trước đây chưa có nhiều người nhận khoán xe công có nhiều lý do, trong đó có việc chúng ta chỉ làm thí điểm và cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể chức danh nào thì được sử dụng xe công, chức danh nào thì nhận khoán tiền đi lại hàng tháng. Nhưng bây giờ, Quốc hội đã có Nghị quyết về vấn đề này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính sẽ có quy định cụ thể, chi tiết về chức danh sẽ khoán xe công, mức khoán phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ quan, đơn vị, địa phương, nên chắc sẽ có nhiều người nhận khoán. Tất nhiên, việc khoán xe công phải làm từng bước, có lộ trình cụ thể.

Theo ông, sẽ có bao nhiêu người sẽ nhận khoán?

Như tôi đã nói, xe công có 3 loại, trong đó, loại xe mà định khoán là xe phục vụ chức danh được sử dụng phục vụ công tác của chức danh có hệ số phục cấp chức vụ từ 1,25 trở lên không nhiều lắm. Ở cấp bộ thì chỉ có cấp thứ trưởng, tổng cục trưởng loại 1 trở lên. Ở địa phương, những người đủ tiêu chuẩn đi xe công đưa đón hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc và phục vụ công tác thường xuyên cũng không nhiều. Mặc dù số xe công phục vụ chức danh không nhiều nên chi phí để “nuôi” xe công phục vụ lãnh đạo cũng không lớn, nhưng Quốc hội đã có Nghị quyết, Chính phủ và Bộ Tài chính sẽ làm nghiêm, tôi nghĩ rằng, nhiều người đủ tiêu chuẩn sử dụng xe công theo chức danh sẽ nhận khoán để làm gương trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần sử dụng tiền thuế của dân hiệu quả nhất.

Nếu đã có tiêu chuẩn, định mức cụ thể thì cứ thế mà khoán, tại sao lại phải “động viên” để làm gương trong tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, thưa ông?

Xe công là để phục vụ công việc, kể cả xe công phục vụ lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước hàng ngày. Những chức danh được sử dụng xe công là do hàng ngày họ phải làm khối lượng công việc rất lớn, trong đó có nhiều việc rất quan trọng. Tất nhiên, nhiều người trong số này hoàn toàn có thể nhận khoán, ví dụ như nhà họ ở gần cơ quan làm việc hay đi họp hành, hội thảo, hội nghị cách cơ quan, cách nhà không xa thì nhận khoán chắc chắn có lợi hơn sử dụng xe công. 

Tuy nhiên, từ trước đến nay không có ai nhận khoán (ngoại trừ ông Trần Quốc Thuận), mặc dù ai cũng biết, về mặt kinh tế nhận khoán có lợi hơn vì vấn đề khá tế nhị. Đơn cử, trong cùng một bộ, thứ trưởng này sử dụng “xe biển xanh” đưa đón hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, thứ trưởng khác lại đi “xe biển trắng”, đi taxi…, thậm chí là đi xe máy cá nhân, đi xe ôm… thì cũng khó coi. Hay như đi họp hành, hội nghị, hội thảo cũng vậy, thứ trưởng các bộ ngành khác đi xe công, đi mỗi người một xe, mà có vị thứ trưởng nhận khoán, đi xe chung, đi phương tiện khác thì cũng khó coi. Đây là một trong những nguyên nhân khiến không ai nhận khoán xe công, nên phải động viên tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí.

Tin cùng chuyên mục