Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ công trực tuyến làm thủ tục hành chính thấp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính đến nay, 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cấp tỉnh và cấp quốc gia. Tuy nhiên, theo nhiều kết quả nghiên cứu, trong đó có số liệu khảo sát của Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), tỷ lệ người sử dụng DVCTT để làm thủ tục hành chính vẫn còn thấp. Vậy, nguyên nhân vì đâu?
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Số hóa dịch vụ công là một ưu tiên quan trọng của Chính phủ Việt Nam trong tiến trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Ưu tiên này được thể hiện trong các văn bản chiến lược quốc gia quan trọng như Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 76/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 với quan điểm quán triệt là lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT năm 2020 đạt 1,78%, năm 2021 đạt 9,51%, và 7 tháng năm 2022 đạt gần 18%. Kết quả khảo sát PAPI năm 2022 cũng cho thấy, chỉ có 4,85% số người được phỏng vấn cho biết họ sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia cho nhiều mục đích, chủ yếu là tìm kiếm thông tin về thủ tục hành chính cần thực hiện.

Theo Báo cáo nghiên cứu đánh giá mức độ thân thiện với người dùng của các cổng DVCTT cấp tỉnh vừa được Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam công bố sáng 11/7, hiện có 5 thực trạng chính về mức độ thân thiện với người dùng của các cổng DVCTT cấp tỉnh, bao gồm: các tính năng để thực hiện DVCTT toàn trình chưa được bảo đảm; quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử chưa được tối ưu hóa cho người dùng; bất cập trong kết nối dữ liệu, tài khoản và giao diện giữa hệ thống cung cấp DVCTT của Trung ương và địa phương; cổng dịch vụ công còn khó tiếp cận với người khiếm thị và đồng bào dân tộc thiểu số; việc cam kết bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mức.

Cụ thể, kết quả thử nghiệm thực hiện dịch vụ “Cấp phiếu lý lịch tư pháp” trên cổng DVCTT của các tỉnh thành cho thấy, 26/63 cổng DVCTT yêu cầu người nộp hồ sơ phải xuất trình bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp bản chụp/bản quét trực tuyến; 24/63 cổng DVCTT chưa cho phép trả hồ sơ trực tuyến mà chỉ trả kết quả qua bưu điện hoặc tới cơ quan nhận trực tiếp; và 17/63 cổng DVCTT yêu cầu người dùng thanh toán trực tuyến xong mới được nộp hồ sơ.

Kết quả phân tích 200 phản ánh kiến nghị về DVCTT đăng tải trên Cổng dịch vụ công quốc gia cũng đã chỉ ra những hạn chế ở cả phương diện kỹ thuật, con người và quy trình triển khai DVCTT.

Trong đó, các vấn đề thuộc nhóm kỹ thuật bao gồm: cổng dịch vụ công bị lỗi; việc nộp, cập nhật, bổ sung, theo dõi tình trạng hồ sơ trực tuyến còn nhiều bất tiện; không thể thanh toán trực tuyến; chữ ký số không được duyệt.

Các bất cập về con người có thể kể đến như: cán bộ trả lại hồ sơ với lý do chưa thỏa đáng; cán bộ không giải thích, hướng dẫn cho người dân khi hồ sơ bị sai; cán bộ không nghe máy đường dây nóng; cán bộ chưa nắm rõ quy trình; thái độ của cán bộ chưa phù hợp.

Các bất cập về quy trình, thủ tục gồm: chậm trễ trong quy trình tiếp nhận hồ sơ; người dân nộp hồ sơ trực tuyến nhưng được yêu cầu bổ sung hồ sơ trực tiếp; quy trình nộp trực tuyến, tiếp nhận, trả lại và từ chối hồ sơ chưa rõ ràng.

Do đó, để tăng tính thân thiện, dễ sử dụng của giao diện cổng DVCTT và đề xuất hoàn thiện chính sách phát triển DVCTT để cải thiện tỷ lệ và nâng cao trải nghiệm của người dân, Nhóm nghiên cứu đề xuất, DVCTT cần phải thân thiện hơn với người khuyết tật bằng cách rà soát định kỳ, phát hiện và cải thiện mức độ thân thiện với người khuyết tật sử dụng trình đọc màn hình và mời nhóm người khuyết tật tham gia đánh giá trải nghiệm DVCTT. Ngoài ra, cần tăng cường kết nối dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công quốc gia với các cổng dịch vụ công cấp tỉnh và xây dựng quy định về chuẩn kỹ thuật kết nối, liên thông các hệ thống cung cấp DVCTT.

Theo ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, Chính phủ cần lấy việc triển khai DVCTT làm ưu tiên trọng tâm trong tiến trình xây dựng chính phủ số. “Trong đó, Chính phủ, đầu mối là Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cần tập trung vào hai nhóm việc trọng tâm, gồm hoàn thiện chức năng cung cấp dịch vụ công cho 25 dịch vụ công thiết yếu nhất và nâng cao trải nghiệm cho người dùng dịch vụ thông qua cải tiến giao diện dễ sử dụng và thân thiện hơn. Làm được khâu này sẽ giúp Việt Nam tăng điểm số, đạt mục tiêu lọt vào nhóm 50 quốc gia đứng đầu trong xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc”, ông Hồng nhấn mạnh.

Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua, nhưng theo khuyến nghị của ông Patrick Haverman - Phó đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, việc cung cấp DVCTT phải đảm bảo tính dễ tiếp cận và sử dụng cho người dân, đặc biệt là những người yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, người khiếm thị, nếu không họ sẽ bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số của Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục