Tỷ lệ điện sản xuất từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 7% vào năm 2020 và chiếm 10% vào năm 2030. Ảnh: Tường Lâm |
Tiềm năng lớn, khai thác chưa được bao nhiêu
Tại Hội thảo Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trong thị trường điện cạnh tranh, ông Lê Đồng Hải, chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, Việt Nam có tiềm năng khá lớn về năng lượng tái tạo như: sinh khối, gió, mặt trời, thủy điện… Theo ông Hải, việc ứng dụng và phát triển năng lượng tái tạo có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế Việt Nam một cách phát triển bền vững.
Đồng quan điểm, bà Vũ Chi Mai, chuyên gia đến từ Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho rằng, tiềm năng năng lượng tái tạo ở Việt Nam rất lớn, song khai thác thực tế vẫn còn rất khiêm tốn. Ví dụ, tiềm năng của năng lượng sinh khối của Việt Nam lên tới 8.500 MW nhưng mới khai thác được 375 MW; năng lượng gió là 27.000 MW, mới khai thác được 164 MW…
Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa được công bố, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất điện ở nước ta tương đối cao, chủ yếu là nhờ thủy điện, còn các nguồn khác không đáng kể. Để khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng này, Việt Nam đã có hệ thống văn bản pháp lý tương đối hoàn thiện cũng như những cam kết mạnh mẽ về năng lượng tái tạo. Sản xuất điện năng lượng tái tạo thuộc nhóm ưu đãi đầu tư (giá, đất đai, thuế, vay vốn), được ưu tiên đấu nối vào lưới điện…
Tuy nhiên, ông Phạm Đức Chung, đại diện nhóm nghiên cứu CIEM cho rằng, Việt Nam đang thiếu nền tảng của thị trường điện cạnh tranh. Các khâu từ sản xuất, truyền tải, phân phối đều đang chịu chi phối bởi một đơn vị, nên việc thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo mới (trừ thủy điện) còn gặp nhiều khó khăn.
Khuyến khích đấu thầu cạnh tranh
Theo Quy hoạch phát triển điện VII (điều chỉnh), tỷ lệ điện sản xuất từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 7% vào năm 2020 và chiếm tới 10% vào năm 2030 với lượng vốn đầu tư lớn. Nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, cần phải tiếp tục tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo kế hoạch, đặc biệt quan tâm đến tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp, bao gồm cả chủ sở hữu. Đảm bảo tất cả các nhà sản xuất, phân phối đều có quyền tiếp cận hệ thống truyền tải điện quốc gia, áp dụng triệt để cơ chế giá điện cạnh tranh theo hướng thị trường…
Chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế trong việc khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, ông Lê Đồng Hải cho hay, hiện cơ chế đấu thầu cạnh tranh đang trở thành một xu hướng và lựa chọn tối ưu của nhiều quốc gia để phát triển năng lượng tái tạo. Đến cuối năm 2015, trên thế giới đã có ít nhất 64 quốc gia đã thực hiện cơ chế đấu thầu cạnh tranh. Việc đấu thầu cạnh tranh sẽ cho phép các đơn vị phát điện tham gia chào thầu để cung cấp điện năng từ các nguồn năng lượng tái tạo. Với cơ chế này, giá điện năng lượng tái tạo được xác định thông qua cơ chế cạnh tranh hơn, phản ánh chính xác kỳ vọng của nhà đầu tư cũng như các điều kiện thị trường một cách minh bạch và công bằng hơn. Từ đó, giá điện năng lượng tái tạo cũng dễ được xã hội chấp nhận hơn.
Ông Hải cho rằng, Việt Nam là nước đi sau trong phát triển năng lượng tái tạo, nên cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư nguồn điện tái tạo và xác định giá năng lượng tái tạo qua cơ chế này nhằm hấp dẫn nhà đầu tư.