Đáng kể nhất là phiên đầu tuần 14-12, giá dầu đã chạm tới mức 34,53 USD/thùng, là mức giá thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hồi năm 2008.
Theo đánh giá của các chuyên gia xăng dầu, giá dầu vẫn giảm triền miên dù được cho là đã về mức rất thấp do các nguyên nhân cơ bản vẫn chưa hề mất đi.
“Các nước xuất khẩu vẫn buộc phải khai thác thêm thật nhiều, tăng số lượng để bù mức doanh thu giảm vì giá khiến dầu cứ thế trào lên nhiều hơn. Ở chiều ngược lại, cầu chưa thể một sớm một chiều bật dậy vì nền kinh tế cần những khoảng thời gian nhất định, sớm nhất cũng phải tính bằng nửa năm trở lên” - TS Nguyễn Hồng Nga, phó khoa kinh tế Đại học Kinh tế - luật TP.HCM, nhận định.
Theo nhìn nhận của Ngân hàng ANZ, việc Trung Quốc có chiều hướng tăng mua vào để tận dụng giá thấp cũng không cứu vãn được nhiều trước sức cung như vậy.
Theo TS Nguyễn Hồng Nga, giá dầu lao dốc bất thường đang đặt ra thách thức lớn cho cả xuất và nhập khẩu mặt hàng này ở VN.
“Việc DN nhập khẩu xăng từ Singapore về VN có hưởng lợi hay không còn tùy vào thời điểm chốt hợp đồng cũng như khối lượng mua từng đợt và lợi hay hại là chưa chắc chắn. Điều chắc chắn là xuất khẩu dầu thô của VN chịu thiệt hại và sẽ ảnh hưởng nhiều tới ngân sách”, ông Nga nhận định.
Còn theo chuyên gia Marc Djandji - Công ty chứng khoán VPBank, giá dầu hạ tác động tích cực tới VN ở khía cạnh giữ lạm phát ở mức thấp trong tầm kiểm soát song đang tác động khá nghiêm trọng tới ngân sách quốc gia của VN.
“Ước tính sơ bộ dầu giảm 1 USD, ngân sách VN mất khoảng 46,1 triệu USD. Ngân sách VN vẫn đang phải dựa rất nhiều vào xuất khẩu và nhập khẩu tài nguyên, trong đó xăng dầu chiếm tỉ trọng lớn”, ông Marc nói.
Với giá dầu thô giảm mạnh thời gian qua, xăng nhập khẩu từ Singapore cũng giảm theo tương ứng và hiện nằm quanh khoảng 53 USD/thùng, tương đương 7.500 đồng/lít nếu tính theo tỉ giá USD bán ra tại Ngân hàng Vietcombank ngày 16-12 là 22.500 đồng ăn 1 USD.