Thông tin này được Vietnam Airlines thông báo cho các cổ đông tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 diễn ra vào sáng nay.
Trước đó, Bộ GTVT đã chấp thuận để Vietnam Airlines thực hiện phát hành thêm 107.668.938 cổ phần (tương đương 8,77% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là ANA với giá 21.000 đồng/cổ phần để tăng vốn điều lệ theo hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần đại chúng theo quy định LuậtDoanh nghiệp và Luật Chứng khoán. Như vậy, bằng việc phát hành thêm cổ phần bán cho ANA, vốn điều lệ của Vietnam Airlines sẽ tăng từ 11.198,6 tỷ đồng lên 12.275,33 tỷ đồng.
Hiện thời điểm ANA hoàn tất việc chuyển 2.264 tỷ đồng tiền mua cổ phần cho Vietnam Airlines chưa được công bố nhưng việc hãng hàng không Nhật Bản chính thức trở thành cổ đông chiến lược nhiều khả năng sẽ không trễ sang tháng 8/2016.
Bộ GTVT cho phép Vietnam Airlines giữ lại toàn bộ thặng dư vốn từ việc phát hành cổ phần mới cho ANA. Việc sử dụng thặng dư vốn thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông
Hãng hàng không quốc gia còn được miễn áp dụng quy định về thế chấp tài sản đối với khoản vay tín dụng xuất khẩu và khoản vay hỗn hợp tín dụng thương mại và tín dụng xuất khẩu khi cấp bảo lãnh thuê mua máy bay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP tại các Dự án đầu tư 26 máy bay A321, 8 máy bay B787-9, 10 máy bay A350-900 và được áp dụng mức phí bảo lãnh 0,25% tính trên dư nợ khoản vay được bảo lãnh theo quy định tại Mục 7 Nghị quyết số 62/NQ-CP ngày 07/9/2015 của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2015.
Việc lựa chọn thành công đối tác chiến lược sẽ tạo tiền đề cho Vietnam Airlines tiếp túc đổi mới nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nguồn lực tài chính, chất lượng dịch vụ, phát triển thị trường, tiếp cận công nghệ mới nhằm đạt đến hình ảnh một hãng hàng không quốc gia giữ vị thế chủ lực trong giao thông hàng không Việt Nam và quy mô hoạt động toàn cầu, có tầm cỡ tại khu vực.
Bên cạnh đó, hãng sẽ tiếp bán chiến lược để giảm tỷ lệ nắm giữ của cổ đông Nhà nước còn 75%, hướng tới giảm tiếp xuống 65% vốn điều lệ như phương án CPH đã được phê duyệt.
Theo đánh giá của Financial Times, đối với ANA, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn bởi các công ty Nhật đang đầu tư mạnh vào Việt Nam để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Từ năm 2011 đến năm 2014, dòng vốn FDI của Nhật vào Việt Nam tăng gấp 3 lần và chạm mức 9 tỷ USD. Trong đó, Aeon - tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Nhật, đã mở 2 trung tâm mua sắm lớn tại Việt Nam.
Được biết, đối tác chiến lược được lựa chọn của Vietnam Airlines, ANA HOLDINGS là tập đoàn hàng không hoạt động toàn cầu với tổng cộng 63 công ty con hợp nhất và 18 chi nhánh. Tập đoàn được chia thành các lĩnh vựcliên quan đến hoạt độnghành khách, dịch vụ hàng hóa cũng như hoạt động kinh doanh liên quan đến hàng không như Dịch vụ ăn uống và Dịch vụ CNTT.
ANA HD thành lập vào tháng 4/2013 và là công ty mẹ của ANA – hãng hàng không truyền thống cung cấp dịch vụ đầy đủ và Vanilla Air – Hãnghàng không giá rẻ.
ANA sở hữu đội máy bay khoảng 240 chiếc, khai thác tới 88 điểm đến và vận chuyển khoảng 47 triệu lượt hành khách. ANA là hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản về doanh thu và sản lượng hành khách. Đồng thời, ANA còn là thành viên của Liên minh hàng không Star Alliance.