Trong văn bản, vị đứng đầu Vinalines đề xuất, số lượng cổ phần bán đấu giá dự kiến là 280,9 triệu cổ phần với mã cổ phần MVN, thời gian dự kiến tổ chức đấu giá trong tuần đầu tháng 8 tới đây.
"Số lượng cổ phần đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UpCoM là số cổ phần trúng đấu giá đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán," văn bản nêu rõ.
Trước đó vào cuối tháng 6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ-Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Cụ thể, Vinalines sẽ bán 20% vốn trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và 14,8% vốn cho nhà đầu tư chiến lược.
Khoảng 0,2% vốn sẽ được phân bổ qua việc bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên và tổ chức công đoàn của Tổng công ty. Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ 65% vốn điều lệ của Vinalines. Theo kế hoạch Vinalines sẽ tiến hành IPO trong quý 3/2018.
Trong kế hoạch IPO báo cáo Thủ tướng, Vinalines dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2018 lợi nhuận âm 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi hợp nhất các kết quả doanh thu cùng sự khởi sắc từ các công ty con..
Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Chiến lược phát triển và Truyền thông của Vinalines cho biết: kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 khả quan hơn nhiều so với số liệu tài chính dự kiến trước đó trong phương án cổ phần hóa Công ty mẹ được duyệt.
Cụ thể, sản lượng vận tải biển đạt hơn 12,2 triệu tấn đạt hơn 57% kế hoạch; sản lượng hàng thông qua cảng đạt hơn 41,4 triệu tấn đạt 43% kế hoạch, tổng doanh thu đạt hơn 6.600 tỷ đồng đạt gần 50% kế hoạch. Lợi nhuận Công ty mẹ đạt 73 tỷ đồng.
"So với kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2018 là 668 tỷ đồng thì con số 73 tỷ đồng Vinalines đạt được 6 tháng đầu năm có vẻ "hơi mỏng" là do Tổng công ty đang tập trung tái cơ cấu đội tàu, bán bớt một số tàu không hiệu quả, đồng thời, phải xử lý tài chính trước khi chuyển sang công ty.
Ngoài ra, Vinalines cũng đang khai thác và vận hành 14 cảng biển tại các vị trí chiến lược trải dài Việt Nam chiếm gần 27% công suất thiết kế và 20% tổng chiều dài cầu bến cả nước. Trong đó, Vinalines đã được phê duyệt kế hoạch giảm tỷ lệ nắm giữ vốn tại Cảng Hải Phòng từ 92,56% xuống 65%, và tại Cảng Đà Nẵng từ 75% xuống 65% để gia tăng nguồn vốn phục vụ cho mục đích kinh doanh.
Đồng thời, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, đầu tư hoàn thiện cảng Tiên Sa và Hiệp Phước giai đoạn 2, phát triển các tuyến dịch vụ mới nhằm nâng cao hiệu quả của các cảng nước sâu tại khu vực Cái Mép-Thị Vải và Quảng Ninh.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vẫn giữ mục tiêu đến năm 2020 là doanh nghiệp hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam trong các lĩnh vực vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. Đây sẽ là những "mỏ vàng" mà nhà đầu tư nhắm tới thông qua sở hữu cổ phần của Công ty mẹ.
Mặt khác, với lợi thế là "ông lớn" hàng hải có đủ ba mũi nhọn dịch vụ vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải, Vinalines sẽ đẩy mạnh dịch vụ logistics trọn gói để phát huy lợi thế độc nhất đó.
"Dự kiến, đến năm 2030 trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực có năng lực cạnh tranh cao, phát triển mảng kinh doanh vận tải biển theo hướng củng cố đội tàu container và tàu hàng khô, chiếm lĩnh thị trường nhập khẩu, thị trường nội địa và tham gia thị trường nội Á", ông Hải đánh giá.