Vinalines sẽ thoái toàn bộ vốn tại 9 doanh nghiệp thua lỗ, và giữ cổ phần chi phối tại 9 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Ảnh: Tiên Giang |
Mặc dù còn nhiều khó khăn do vướng các khoản nợ lớn trong khi hoạt động kinh doanh cốt lõi chưa có lợi nhuận, nhưng việc tái cơ cấu các khoản nợ của Vinalines đã bước đầu cho thấy những kết quả tích cực.
Tái cấu trúc tài chính
Trong suốt giai đoạn 2014 - 2017, việc tái cấu trúc tài chính của Vinalines được thực hiện thông qua việc bán lại các khoản nợ, được miễn nợ gốc và lãi vay… Đặc biệt, Công ty chủ động giảm tỷ lệ sở hữu tại một số công ty thành viên, chuyển thành công ty liên kết hoặc khoản đầu tư để đưa các khoản nợ từ các công ty này ra ngoài bảng cân đối kế toán hợp nhất. Quá trình tái cơ cấu nợ và việc tăng cường trả nợ đã giúp giảm tổng giá trị nợ vay của Vinalines từ 39.137 tỷ đồng trong năm 2014 xuống 11.219 tỷ đồng năm 2017.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất, tại thời điểm cuối năm 2014, tổng nợ phải trả của Vinalines lên tới hơn 57.564 tỷ đồng (chỉ tính riêng các khoản nợ vay ngắn và dài hạn đã lên tới 39.137 tỷ đồng), trong khi đó vốn chủ sở hữu lại âm tới 9.808 tỷ đồng. Chỉ sau 1 năm, tổng nợ phải trả chỉ còn 25.572 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với năm 2014. Cùng với đó, vốn chủ sở hữu đã dương trở lại 6.582 tỷ đồng, nợ vay ngắn hạn và dài hạn cũng giảm từ 39.137 tỷ đồng xuống còn 17.463 tỷ đồng. Đến thời điểm cuối năm 2017, vốn chủ sở hữu đạt 7.968 tỷ đồng, còn nợ phải trả chỉ còn 20.169 tỷ đồng (trong đó giá trị nợ vay là 11.219 tỷ đồng), tương ứng với tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu chỉ còn 2,53 lần.
Sau IPO, Vinalines sẽ tiếp tục thoái vốn tại các công ty thành viên. “Ngay trong quý này, Vinalines sẽ thoái hết vốn tại các doanh nghiệp thua lỗ, chỉ giữ lại các doanh nghiệp mang lại lợi ích trong định hướng phát triển dịch vụ chuỗi logistics trọn gói của Tổng công ty”, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐTV Vinalines cho biết.
Cụ thể, Vinalines có kế hoạch thoái vốn tại 18 doanh nghiệp thành viên, trong đó sẽ thoái toàn bộ vốn tại 9 doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, và giữ cổ phần chi phối tại 9 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả (chủ yếu là các cảng biển quan trọng và các công ty vận tải biển: VOSCO, Vinaship).
Hoạt động kinh doanh chính gặp nhiều khó khăn
Hoạt động kinh doanh của Vinalines bao gồm 3 mảng lớn: dịch vụ vận tải biển, khai thác cảng biển và hàng hải. Năm 2017, mảng dịch vụ vận tải biển ghi nhận doanh thu 5.763 tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm 2016 và đóng góp 42,5% tổng doanh thu của Vinalines với khối lượng vận chuyển đạt 24,8 triệu tấn, chiếm tỷ trọng 18,9% tổng khối lượng vận tải cả nước. Tuy nhiên, sau khi trừ đi khoản giá vốn, lãi gộp từ dịch vụ vận tải biển âm 419 tỷ đồng.
Còn hoạt động khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải đạt doanh thu 6.886 tỷ đồng, chiếm 50% tổng doanh thu năm 2017. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp từ mảng này vào khoảng 1.087 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận gộp khoảng 15,8%. Khai thác cảng biển cũng chính là chiến lược kinh doanh của Vinalines trong thời gian tới. Cụ thể là khai thác các cảng nước sâu như Lạch Huyện, Liên Chiểu để đón các tàu có trọng tải lớn.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vinalines gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây. Doanh thu sụt giảm liên tục trong giai đoạn 2014 - 2017 từ 16.641 tỷ đồng năm 2014 xuống 13.573 tỷ đồng năm 2017 do ngành vận tải biển gặp khó khăn kéo dài.
Bên cạnh đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chính luôn ghi nhận kết quả âm trong 4 năm qua. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2015 - 2017 luôn dương nhờ có khoản lợi nhuận khác, chủ yếu đến từ thanh lý tàu, thanh lý các khoản nợ xấu, hoàn nhập dự phòng, cùng với các ưu đãi từ Chính phủ như xóa nợ gốc và lãi vay.