Các DNNN có thể vận dụng, tham khảo áp dụng Quy trình Mua sắm tập trung mà Bộ KH&ĐT đang xây dựng tùy thuộc vào đặc điểm mua sắm của mình. Ảnh: Lê Tiên |
Tạo quy trình thống nhất và minh bạch
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số cán bộ đấu thầu của các tập đoàn kinh tế cho biết, thời gian qua, việc mua sắm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên, tuân thủ theo các quy chế nội bộ riêng của từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91. Trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều tình huống nhưng không biết cách thức xử lý thế nào, không biết hỏi ai và lấy cơ sở nào để giải quyết. Hơn nữa, do không có khung hướng dẫn chung cho việc mua sắm này nên các tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 thực hiện việc mua sắm khá tùy tiện và trên thực tế, một số trường hợp không tránh khỏi thất thoát ngân sách nhà nước.
Xuất phát từ yêu cầu của một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty cần có quy trình MSTT rõ ràng, minh bạch và thống nhất, tạo cơ sở áp dụng và kiểm soát nội bộ cũng như của cơ quan quản lý trực tiếp, đồng thời tăng cường công khai, minh bạch và hiệu quả, tránh thất thoát ngân sách nhà nước, Bộ KH&ĐT đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực tế. Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT đã hoàn thành Dự thảo Quyết định công bố Quy trình MSTT nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của DNNN để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham khảo, áp dụng.
Theo ý kiến của một cán bộ đấu thầu thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với quy trình nói trên, các chủ đầu tư sẽ thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện việc mua sắm. Lý do là quy trình MSTT này khá “cởi mở” và linh hoạt, các DNNN phải tuân thủ. Các DNNN có thể vận dụng, tham khảo áp dụng tùy thuộc vào đặc điểm mua sắm của mình. Đối với những DNNN chưa có quy chế riêng cho việc mua sắm thì có thể lấy đây làm “bộ khung” mà không cần phải nghi ngại về tính khả thi, hợp lý trong việc ban hành và đưa vào áp dụng.
Thuận lợi cho cả chủ đầu tư và nhà thầu
Dự thảo Quy trình MSTT nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư để bảo đảm tính liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của DNNN gồm 14 Điều, 2 Mục: Quy trình MSTT thông thường và Quy trình MSTT theo danh sách nhà thầu.
Đối với Quy trình MSTT thông thường, Dự thảo đưa ra những chỉ dẫn thiết thực cho DNNN trong việc ban hành danh mục và tổng hợp nhu cầu MSTT; lập, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo hợp đồng, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu; ký kết thỏa thuận khung về MSTT; ký kết hợp đồng cung cấp hàng hóa; bàn giao, tiếp nhận hàng hóa; báo cáo sử dụng hàng hóa; quy trình giải quyết kiến nghị và xử lý vi phạm.
Đối với Quy trình MSTT theo danh sách nhà thầu, Dự thảo cũng có các chỉ dẫn về quy trình lập danh sách nhà thầu, tổ chức chào giá, đánh giá các hồ sơ chào giá và xếp hạng nhà thầu; ký kết hợp đồng mua sắm hàng hóa, bàn giao, tiếp nhận hàng hóa.
Cán bộ đấu thầu của EVN cho rằng, Quy trình MSTT nói trên khi được ban hành chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho cả chủ đầu tư và nhà thầu trong quá trình thực hiện. Chủ đầu tư sẽ có một quy trình chuẩn để đối chiếu, so sánh và áp dụng cho việc MSTT của mình. Còn phía nhà thầu cũng biết được quy trình mà chủ đầu tư áp dụng đối với việc MSTT, từ đó nghiên cứu và tham gia đấu thầu, tuân thủ thực hiện cũng dễ dàng hơn, tạo ra sự công bằng hơn giữa các nhà thầu, sự minh bạch trong chào giá khi tham gia đấu thầu các gói thầu MSTT này.