Xây dựng Luật Cơ khí “mở lối” cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp cơ khí chế tạo của Việt Nam chậm phát triển, thậm chí tụt hậu so với nhiều quốc gia trong khu vực, theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), là do thiếu cơ chế, chính sách đủ mạnh. Vì vậy, khi các cơ chế, chính sách phát triển ngành cơ khí được luật hóa thì ngành này mới có cơ hội phát triển.
Việt Nam sẽ triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia có tổng mức đầu tư lớn như các công trình giao thông, thủy lợi, Quy hoạch điện VIII; đường sắt tốc độ cao; các tuyến đường sắt nội đô. Ảnh: MT st
Việt Nam sẽ triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia có tổng mức đầu tư lớn như các công trình giao thông, thủy lợi, Quy hoạch điện VIII; đường sắt tốc độ cao; các tuyến đường sắt nội đô. Ảnh: MT st

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAMI cho biết, sau 3 thập niên thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đã hình thành được một số ngành sản xuất công nghiệp (năng lượng, giao thông vận tải, cơ khí, xây dựng), nông lâm ngư nghiệp, bưu chính viễn thông, du lịch nhưng đa phần công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm còn ở trình độ chưa cao. Công nghiệp cơ khí chế tạo phát triển chậm, thậm chí bị tụt hậu so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Ước tính, trong vòng 5 năm trở lại đây, tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành cơ khí đạt 35% nhu cầu của thị trường nội địa. Hầu hết máy móc, thiết bị lĩnh vực cơ khí đều phải nhập ngoại, trừ một số thiết bị Chính phủ định hướng chế tạo trong nước như: thiết bị cơ khí thủy công của nhà máy thủy điện, một số thiết bị của nhà máy nhiệt điện như hệ thống cung cấp than, lọc bụi tĩnh điện, hệ thống thải tro xỉ, máy biến thế các loại, các hệ thống vận chuyển, kết cấu thép.

Trong ngành máy nông nghiệp, các doanh nghiệp (DN) cơ khí trong nước mới làm chủ thị trường xay xát, chế biến lúa gạo, cung cấp 40% thị phần máy động lực công suất dưới 80 HP…, còn lại phần lớn máy móc, thiết bị đều phải nhập khẩu. Việc sản xuất các thiết bị thăm dò, khai thác dầu khí hay thiết bị cho ngành đóng tàu dù đã có những bước tiến, song chưa được như kỳ vọng.

“Rất nhiều DN Việt Nam đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và sản phẩm được cung cấp cho các DN FDI tại Việt Nam cũng như xuất khẩu tới các nước phát triển. Tuy nhiên, số lượng công ty tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn ít, chủng loại hàng hóa chất lượng cao chưa nhiều, giá trị hàng hóa của ngành công nghiệp hỗ trợ còn khiêm tốn”, ông Sáng nói.

Ông Vũ Đình Hồng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí chính xác Thăng Long cho biết, thời gian qua, DN cơ khí vẫn loay hoay tìm lối đi, chưa phát triển do còn gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN nhà nước tổ chức tháng 3/2022, ông Bùi Đức Kiên, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) cho hay, cách đây 5 - 10 năm, Lilama phát triển tốt, doanh thu cả tỷ USD mỗi năm, nhưng giờ đây thu hẹp dần, lợi nhuận lao dốc.

“Nút thắt” nào đang kìm hãm sự phát triển của ngành cơ khí? Trả lời câu hỏi này, ông Sáng cho rằng, nguyên nhân chính là Việt Nam chưa có khung pháp lý thống nhất, đồng bộ và đủ mạnh làm cơ sở thúc đẩy phát triển ngành cơ khí.

“Thời gian qua, đã có một số văn bản pháp luật về phát triển cơ khí được ban hành như Chiến lược phát triển cơ khí theo Quyết định 319/QĐ-CP, một số nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ… Tuy nhiên, Quyết định 319 quá chung chung, không đưa ra được định hướng cũng như cơ chế nào cho ngành cơ khí. Ngoài ra còn có một số cơ chế về nội địa hóa thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong Quyết định 1791/QĐ-TTg nhưng không có chế tài để thực hiện”, ông Sáng nêu rõ.

Trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ hội cho ngành cơ khí Việt Nam rất lớn. Bởi Việt Nam sẽ triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia có tổng mức đầu tư lớn như: Quy hoạch điện VIII; đường sắt tốc độ cao; các tuyến đường sắt nội đô; các công trình giao thông, thủy lợi… với nhu cầu về máy móc, thiết bị từ nay đến năm 2035 ước tính khoảng 400 tỷ USD.

“Chìa khóa để nắm bắt cơ hội này là Việt Nam cần sớm xây dựng Luật Cơ khí, tạo lập khung pháp lý thống nhất, đồng bộ và đủ mạnh để khuyến khích các DN đầu tư, thúc đẩy ngành cơ khí phát triển”, VAMI đề xuất.

Theo VAMI, Luật Cơ khí sẽ có những cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy ngành phát triển. Từ đó đem lại công ăn việc làm, giảm giá thành đầu tư, tự chủ trong quá trình đầu tư, xây dựng và vận hành thiết bị.

Tin cùng chuyên mục