Xem xét lại quy định về bảo hành công trình trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để tránh bất cập so với thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), theo tôi, quy định về bảo hành nhà ở đối với nhà chung cư tối thiểu là 60 tháng và đối với nhà ở riêng lẻ thì “tối thiểu” là 24 tháng có bất cập so với thực tiễn.

Bà Hoàng Thị Anh Thư, Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty CP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu

Trên thực tế, bảo hành công trình xây dựng thuộc trách nhiệm của nhà thầu, bao gồm khắc phục, sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng, khiếm khuyết do lỗi của nhà thầu gây ra.

Khi chủ đầu tư ký hợp đồng với nhà thầu xây dựng công trình, nhà thầu chỉ có trách nhiệm bảo hành công trình trong thời gian tối đa 24 tháng (trong quy định của Luật Xây dựng, công trình cấp đặc biệt và cấp I thì thời gian bảo hành mới lên tới 24 tháng). Do đó từ tháng thứ 25 đến tháng thứ 60, chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm bảo hành công trình, thuê người đến sửa chữa. Tuy nhiên, nội dung bảo hành công trình quá đa dạng, có những hỏng hóc xuất phát từ việc sử dụng không cẩn thận của người dân (như làm vỡ gạch, hỏng hóc trang thiết bị trong quá trình sinh hoạt, sử dụng…) cũng yêu cầu chủ đầu tư phải bảo hành, thời gian bảo hành kéo dài tới 60 tháng… là hết sức vô lý.

Tôi cho rằng, với những vấn đề liên quan tới kết cấu công trình, nghiêng lún… thì thời gian bảo hành có thể lên tới 60 tháng. Tuy nhiên, đối với các phần công việc liên quan tới hỏng hóc trong quá trình vận hành, sử dụng…, thời gian bảo hành công trình sẽ phải thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng vì bản thân công trình chung cư cũng là một sản phẩm xây dựng. Trong khi đó, Luật Xây dựng quy định các công trình hạng A, cấp I thì thời gian bảo hành công trình là 24 tháng.

Cùng là các văn bản pháp luật được Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì soạn thảo, tôi đề xuất cơ quan soạn thảo nên xem xét lại quy định về bảo hành công trình trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để đồng bộ quy định, tránh bất cập so với thực tiễn.

Tin cùng chuyên mục